(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 6/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm “tỏi Lý Sơn”. Tuy nhiên, đến nay huyện Lý Sơn vẫn chưa thể cấp phép quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn cho các doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất, kinh doanh.
[links()]
Doanh nghiệp mong mỏi
Dù nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng hơn 1 năm đã qua, chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn vẫn chưa phát huy giá trị, khiến việc bảo vệ thương hiệu, nâng tầm đặc sản của đất đảo gặp nhiều khó khăn. Anh Ngô Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Volcano, một DN nhiều năm kinh doanh tỏi ở Lý Sơn, cho biết, tôi đã nộp đơn đăng ký quyền được sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, để tiếp tục khẳng định với người tiêu dùng sản phẩm tỏi do công ty cung cấp ra thị trường được trồng tại đảo Lý Sơn và đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thế nhưng, công ty hiện vẫn phải... chờ.
Doanh nghiệp kinh doanh tỏi đang chờ được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn để phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Hiện có gần 30 tổ chức, DN và hộ sản xuất, kinh doanh nộp đơn đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái huyện Lý Sơn Đặng Văn Trọng, hiện tại rất nhiều địa phương trồng tỏi, trong đó có vùng trồng tỏi tương tự tỏi Lý Sơn, vì thế cạnh tranh rất khốc liệt. Những chuyến hàng tỏi Lý Sơn được phân phối bị hoài nghi nguồn gốc, xuất xứ, nên chỉ dẫn địa lý như giấy thông hành của tỏi Lý Sơn đi đến mọi miền đất nước. “Hợp tác xã rất cần chỉ dẫn địa lý để việc kinh doanh thuận lợi hơn; đồng thời xem đây là công cụ hữu ích trong cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại”, anh Trọng nói.
Tỏi ở Lý Sơn chỉ trồng vào vụ đông xuân, với diện tích dao động từ 300 - 350 ha/năm. Mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 1.300 - 1.800 tấn tỏi khô, với giá trị sản xuất hơn 200 tỷ đồng. |
Chậm trễ do đâu?
Việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn kéo dài, nguyên nhân là do huyện Lý Sơn chưa xây dựng được tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Mà theo quy định, để cấp phép được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đòi hỏi phải có tem truy xuất nguồn gốc.
Theo UBND huyện Lý Sơn, khi thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn”, nhằm giúp tỏi Lý Sơn được cấp chỉ dẫn địa lý, đã không đề cập đến nhiệm vụ truy xuất nguồn gốc, vì kinh phí hạn hẹp. Khi tỏi Lý Sơn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, huyện Lý Sơn đã bố trí trên 440 triệu đồng thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ để hỗ trợ công tác bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc tỏi vẫn còn... chờ.
Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn Võ Trí Thời cho rằng, Phòng được giao nhiệm vụ phối hợp với một DN thực hiện nhiệm vụ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cho chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 kéo dài, DN chưa thể ra Lý Sơn để thực hiện các bước mã hóa số liệu phục vụ cho việc xây dựng tem truy xuất nguồn gốc. Việc truy xuất nguồn gốc chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn.
“Có nhiều DN, hộ sản xuất, kinh doanh tỏi xin được cấp phép quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, để cấp phép được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đòi hỏi phải có tem truy xuất nguồn gốc. Tem truy xuất nguồn gốc phải đi đôi với logo chỉ dẫn địa lý, chưa có tem truy xuất nguồn gốc nên chúng tôi chưa thể tham mưu UBND huyện ra quyết định cấp phép quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi”, ông Thời nói.
Hiện nay, huyện Lý Sơn và DN đang tính phương án tập huấn trực tuyến cho các DN, hộ sản xuất, kinh doanh về quy trình mã hoá dữ liệu vùng trồng, quy trình sản xuất, chế biến tỏi, để mã hóa dữ liệu làm tem truy xuất nguồn gốc. Việc này nhằm sớm hoàn thiện tem truy xuất nguồn gốc, để cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh tỏi Lý Sơn.
Bài, ảnh: HỮU DANH