Thành công với nghề sản xuất ván lạng

03:08, 27/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Chỉ có thể vươn tới thành công khi bước ra khỏi không gian an toàn của chính mình”, nghĩ như vậy, nên anh Võ Văn Sĩ (31 tuổi), ở xã Đức Phú (Mộ Đức), đã mạnh dạn chuyển đổi công việc ở lĩnh vực du lịch sang sản xuất ván lạng xuất khẩu.
[links()]
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Sĩ phải tạm thời nghỉ việc ở công ty du lịch, trở về quê sinh sống với gia đình. Bố mẹ anh Sĩ vốn làm nghề thu mua gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Thấy công việc vất vả, lợi nhuận thu về thấp do qua các khâu trung gian, anh Sĩ đã trăn trở và tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình. Đó là thành lập cơ sở sản xuất ván lạng, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy xuất khẩu.
 
Anh Võ Văn Sĩ, ở xã Đức Phú (Mộ Đức), đã thành công ban đầu với nghề sản xuất ván lạng.
Anh Võ Văn Sĩ, ở xã Đức Phú (Mộ Đức), đã thành công ban đầu với nghề sản xuất ván lạng.
Trước khi bước sang lĩnh vực mới, anh Sĩ đã suy nghĩ, hoạch định rất kỹ lưỡng. Ngoài tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở đi trước, anh còn đi khắp nơi tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Khi đã liên kết được với công ty thu mua, anh Sĩ mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng vào xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc sản xuất ván lạng. Anh Sĩ chia sẻ, nhiều người hay nói tôi liều khi chuyển hướng từ lĩnh vực du lịch sang sản xuất gỗ, nên trong quá trình đầu tư tôi phải thận trọng, tính toán kỹ các kế hoạch phát triển sản xuất, kể cả các phương án dự phòng khi thất bại, nhằm đưa ra những hướng đi phù hợp nhất với cơ sở của mình. Có như vậy, dù làm bất cứ công việc nào, tôi cũng sẽ giảm thiểu được tối đa những rủi ro, thiệt hại do tác động của biến đổi thị trường, nhất là trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay.
 
Cùng với việc tăng cường thu mua gỗ rừng trồng làm nguyên liệu sơ chế ván lạng, anh Sĩ còn hỗ trợ cho hơn 20 hộ dân trồng gần 70ha rừng bằng giống keo, bạch đàn cấy mô và ký kết thu mua khi đến kỳ thu hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2022, anh Sĩ sẽ liên kết với người dân trồng khoảng 300ha rừng nguyên liệu.
 
Sau gần một năm thành lập, đến nay, anh Sĩ đã ký kết được với 2 công ty thu mua ván lạng xuất khẩu. Bình quân mỗi tháng, anh xuất bán được khoảng 300m3 ván lạng, tạo việc làm cho 12 lao động ở địa phương, với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng. “Từ nguyên liệu gỗ thô qua hệ thống máy móc đã tạo ra được sản phẩm ván lạng có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị ban đầu. Hiện tôi dành toàn bộ lợi nhuận ban đầu, tiếp tục tái đầu tư, mua sắm thêm trang thiết bị, mở rộng cơ sở sản xuất. Ngoài mục tiêu kết nối với người dân trồng rừng gỗ lớn, tôi hướng cơ sở của mình sản xuất hoàn toàn theo dây chuyền máy móc hiện đại, để tôi có thể quản lý mọi hoạt động sản xuất từ xa. Bởi tôi dự tính, khi hết dịch Covid-19, tôi sẽ quay lại lĩnh vực du lịch và phát triển song song với lĩnh vực sản xuất ván lạng”, anh Sĩ nói.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Phú Phạm Thị Hoa cho biết, nhờ sự năng động, nhạy bén trước sự biến động của thị trường, anh Sĩ đã tận dụng lợi thế sẵn có của gia đình, đầu tư máy móc chế biến gỗ nguyên liệu. Cơ sở sản xuất của anh Sĩ đã khẳng định hướng đi hiệu quả trong việc liên kết chặt chẽ giữa đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Không chỉ là tấm gương năng động làm giàu, Sĩ còn có tấm lòng nhân ái, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương vươn lên trong cuộc sống.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 
 

.