Xây dựng dự toán ngân sách năm 2022: Phải phù hợp với thực tiễn

03:08, 25/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay các sở, ngành, địa phương, đơn vị đang xây dựng dự toán ngân sách năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm (2022 - 2024). Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì việc xây dựng kịch bản điều hành ngân sách cần phù hợp với thực tế, khoa học và hiệu quả.
[links()]
Nhận định những khó khăn, nên ngay từ đầu năm, công tác thu ngân sách nhà nước đã được tỉnh xây dựng nhiều kịch bản phù hợp với tình hình cụ thể. Vì thế, dù chịu tác động rất lớn của dịch bệnh, thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt được kết quả khả quan. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2021 đạt 11.169 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và bằng 61,7% so với dự toán năm. Tổng chi khoảng 6.539 tỷ đồng, giảm 0,5% so cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt hơn 1 tỷ USD.
 
Thi công đường giao thông qua thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ).               Ảnh: THANH NHỊ
Thi công đường giao thông qua thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ). Ảnh: THANH NHỊ
Điều hành thu, chi ngân sách 7 tháng năm 2021 tuy có kịp thời, đảm bảo tăng - giảm chi tương ứng với số thu, nhưng vẫn còn bị động. Nguyên nhân là phát sinh nhiều khoản chi đột xuất, không nằm trong dự toán chi trước đó, như chi phòng, chống dịch Covid-19, chủ yếu thuộc ngân sách tỉnh. Cụ thể như, để mua vắc xin, ngân sách tỉnh đảm bảo 70%, ngân sách Trung ương 30%; chi an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NĐ-CP, thì tỉnh chi 60%, ngân sách trung ương 40%; hỗ trợ người dân khu vực phong tỏa, ngân sách tỉnh chi 100%...
 
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên tắc xây dựng dự toán ngân sách năm 2022 là phải đánh giá lại tình hình thực hiện dự toán 7 tháng đầu năm 2021, để phân tích thuận lợi, khó khăn, những tác động của dịch bệnh, thiên tai đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư... Theo đó, phải đánh giá cả những tác động của giá dầu thô thế giới, tác động của các hiệp định thương mại quốc tế đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chính sách tiền tệ, tín dụng, thương mại toàn cầu. Dự báo khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch, những tác động khách quan làm thay đổi tình hình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. 
 
Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần đánh giá tác động của các cơ chế, chính sách đến thu ngân sách; đánh giá chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chính sách tiền lương, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, khả năng huy động nguồn lực tài chính... đánh giá tổng quan, dự toán ngân sách sát thực.
 
Năm 2022, dự kiến dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) tăng 6 - 8% so với ước đánh giá thực hiện năm 2021. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng khoảng 4 - 6% ước thực hiện 2021. Đối với dự toán chi ngân sách địa phương, phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, đầu tư công và các nghị định, thông tư. Trong đó, ưu tiên bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2022, vốn đối ứng cho dự án ODA, đầu tư công trình trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nguồn vốn nước ngoài, ngoài việc tuân thủ quy định chung, còn phải đảm bảo các cam kết đã ký kết.
 
Ngoài ra, dự toán chi ngân sách địa phương còn phải lưu ý chi cho sự nghiệp y tế, khoa học, giáo dục liên quan đến các chương trình, đề án đã được phê duyệt trước đó. Đặc biệt là, trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thiên tai gia tăng bất ngờ gây thiệt hại nặng nề, thì việc trích lập các loại quỹ tài chính cần đúng quy định, đảm bảo đủ kinh phí để kịp thời chi cho các tình huống phát sinh.
 
THANH NHỊ
 
 
 

.