Tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

10:08, 24/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Tam nông), diện mạo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi cả về chất và lượng.
[links()]
Sức sống vùng nông thôn
 
Trở lại xã Hành Tín Đông, nơi được xem là rốn lũ của huyện Nghĩa Hành những ngày đầu tháng 8, chúng tôi cảm nhận rõ rệt sự đổi thay nơi đây. Những con đường hoa nhiều màu sắc vắt qua thung lũng xanh dài tít tắp. Dọc dòng Sông Vệ, những ngôi nhà mái bằng, lợp ngói, tôn đỏ thấp thoáng... Phía bên kia Tỉnh lộ 624, các tuyến đường giao thông dẫn ra tận ruộng đồng. “Để có được cảnh sắc trù phú, yên bình như hiện nay là sự nỗ lực và hợp sức vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hành Tín Đông”, nguyên Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Đào Thanh Công chia sẻ.
 
Mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành).
Mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao của người dân xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành).
Tuy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, nhưng nhiều tiêu chí chỉ vừa chạm mốc chuẩn, nên những năm qua, xã Hành Tín Đông luôn gắng sức "vượt chuẩn". Ngoài cây trồng chủ lực là chuối ngự, xã còn triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế theo hướng trang trại và gia trại, gắn với liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ. Điều này đã giúp người dân trên địa bàn xã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập (đạt trên 40 triệu đồng/người/năm) và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Đây chính là tiền đề để xã Hành Tín Đông hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2021.
 
Cùng với xã Hành Tín Đông, giai đoạn 2008 - 2021, diện mạo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Đường làng ngõ xóm khang trang; hệ thống điện chiếu sáng về đêm được đầu tư; sân vườn nhà dân được chỉnh trang, cải tạo theo hướng xanh, sạch, đẹp... Toàn tỉnh hiện có 100% xã có điện và tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt gần 99%; khoảng 94% hộ dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đạt 2.796 USD/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,82%... Kết quả trên không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, mà còn bảo tồn và phát triển nhiều giá trị văn hóa, chuyển biến trong nhận thức bảo vệ và quản lý môi trường nông thôn...
 
Còn nhiều thách thức... 
 
Bước vào giai đoạn mới, bên cạnh những cơ hội về thị trường xuất khẩu nông sản rộng mở, tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất... nhưng nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn đối diện với nhiều thách thức. Đó là biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, trong khi sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào thời tiết và chủ yếu quy mô hộ nhỏ lẻ, nên chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, nhất là khi nhiều loại nông sản chưa đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nên đối diện nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
 
Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 54/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5- 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7 - 8%/năm...
 
Ðể đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện hiệu quả tái cơ cấu gắn với phát triển hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân... “Cùng với việc phát huy các nguồn lực tại chỗ sẵn có, để làm động lực phát triển thông qua Nghị quyết “Tam nông”, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, ưu tiên doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, nông dân để phát triển khu vực nông thôn theo hướng nội sinh, tức là vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ gìn và bảo tồn văn hóa đặc trưng vùng miền”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung đề xuất.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.