Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Cần được coi trọng

04:03, 06/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nếu có nhãn hàng hóa và tem truy xuất nguồn gốc, nông sản không chỉ được người tiêu dùng tin tưởng, mà còn được “lên kệ” trong các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn chưa được các chủ thể quan tâm thực hiện.
[links()]
“Mục đích của truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đơn giản là dán tem để người tiêu dùng yên tâm, mà đây còn là công cụ để cơ quan chức năng xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình sản xuất, tiêu thụ. Nhất là việc truy xuất lại thông tin, để truy cứu trách nhiệm của các đơn vị liên quan, khi xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền hay sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng”, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT) Võ Văn Kỹ cho biết. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu về “theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh”. 
Tuy có thương hiệu, nhưng trái cây Nghĩa Hành cần được xây dựng các quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm để vừa bảo vệ nhãn hiệu, vừa “vươn xa” hơn.
Tuy có thương hiệu, nhưng trái cây Nghĩa Hành cần được xây dựng các quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm để vừa bảo vệ nhãn hiệu, vừa “vươn xa” hơn.
Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh hiện còn ở dạng thô và phần lớn được tiêu thụ ở các chợ truyền thống, nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng. Tuy nhiên, nhiều thị trường nhập khẩu đã xây dựng và áp dụng “hàng rào kỹ thuật” đối với các loại nông sản Việt, ưu tiên các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, muốn “xuất ngoại”, nông sản phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc (mã vạch, QR-Code...).
 
Tuy nhiên, việc sản xuất dạng nông hộ sẽ khó, thậm chí không thể thực hiện được quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, cần thiết phải hình thành các chủ thể như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, doanh nghiệp hay chủ trang trại cơ sở sản xuất... đủ năng lực tổ chức sản xuất và tiêu thụ, cũng như thiết lập và thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong từng công đoạn, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.
 
Tại huyện Nghĩa Hành, sản phẩm trái cây dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiện tập thể, một số hộ đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ (Organic). Song, do chưa áp dụng đầy đủ quy trình truy xuất nguồn gốc, nên khi được thị trường tiêu thụ mạnh, rất dễ xảy ra tình trạng “đánh cắp” thương hiệu. Vì vậy, cùng với việc mở rộng diện tích để tăng sản lượng, huyện Nghĩa Hành cũng xúc tiến thực hiện xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để vừa bảo vệ thương hiệu, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. “Muốn làm được việc này, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng vùng sản xuất đạt chuẩn, cần phát triển các chủ thể đủ năng lực trong việc tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tính ổn định, bền vững”, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Phạm Thị Bích Hoa đề xuất.
 
Ngoài ra, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng cần lựa chọn sản xuất, kinh doanh các loại nông sản phù hợp với nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó, định hướng và tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình về nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
 
Bài, ảnh: THANH PHƯỚC
 
 
 

.