Chương trình OCOP: Không hình thức, đúng quy trình

09:03, 04/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cũng như thay đổi nhận thức của người dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng làm ồ ạt, chạy theo phong trào, quá trình thực hiện phải tuân thủ đúng quy trình OCOP, trong đó có việc siết chặt khâu thẩm định và công bố sản phẩm.
[links()]
Cần phát triển đúng hướng và thực chất
 
Gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, Quảng Ngãi có 31 sản phẩm OCOP; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, hiện có nhiều tổ chức kinh tế đăng ký tham gia sản xuất sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là phải làm gì để phát triển các sản phẩm OCOP đúng hướng, thực chất và đảm bảo chất lượng, tránh cách làm hình thức. “Bản chất sản phẩm OCOP là đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa và lan tỏa trong cộng đồng. Vì vậy, sau khi được công nhận và phân hạng, sản phẩm OCOP cần được chủ thể và các ngành liên quan đầu tư phát triển, đảm bảo tính đặc trưng và đặc thù, không lẫn lộn với các mặt hàng cùng chủng loại”, Giám đốc Công ty CP Tư vấn kinh tế và Phát triển nông thôn Việt Nam Trần Ngọc Toàn cho biết. 
Gạo Ấn Trà, sản phẩm OCOP 3 sao đã và đang được chủ thể đầu tư phát triển mở rộng quy mô sản xuất.
Gạo Ấn Trà, sản phẩm OCOP 3 sao đã và đang được chủ thể đầu tư phát triển mở rộng quy mô sản xuất.
Đơn cử như nấm linh chi và hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bán khá chạy trên thị trường. Song, mưa bão dồn dập năm 2020, cộng với dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Việc tiêu thụ chậm, nên chủ thể sản xuất chưa tính đến việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, hay tiếp tục hoàn thiện thêm các sản phẩm khác. Nguyên nhân, theo chủ thể là công tác tổ chức triển khai quy trình OCOP chỉ mới hỗ trợ các sản phẩm đã hình thành, tập trung vào công tác xây dựng hồ sơ, đánh giá và phân hạng sản phẩm, chưa có giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm mới.
 
Ngoài ra, các địa phương đang có xu hướng tập trung vào sản phẩm chủ lực, hướng đi ngược lại với quy tắc OCOP, đẩy người dân vào thế khó. “OCOP là sản phẩm cấp cộng đồng, nên Nhà nước chỉ gợi ý, định hướng và khuyến khích các chủ thể tự nguyện đăng ký tham gia, không thể ép buộc họ phải lựa chọn làm cái này, sản xuất cái kia. Bởi một số sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương lại không thể làm quy trình OCOP, do không đáp ứng được tiêu chí nguồn nguyên liệu tại chỗ”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương nói.
 
Gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng
 
Dù hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm khá đầy đủ, nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP. Vì vậy, ngành nông nghiệp các cấp phải đến tận nơi vận động, thuyết phục, hỗ trợ toàn diện quy trình OCOP từ thủ tục kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì cho đến xây dựng câu chuyện sản phẩm cho các đơn vị.
 
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô, tiến độ và hiệu quả Chương trình OCOP phụ thuộc rất nhiều vào sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ. Trong khi đó, bộ máy tổ chức triển khai chương trình còn thiếu đồng bộ. Một số địa phương coi Chương trình OCOP là của riêng ngành nông nghiệp, nên thiếu sự phối hợp, thậm chí “khoán trắng” cho ngành trong quá trình triển khai thực hiện.
 
Vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, các ngành, địa phương và chủ thể cần hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, định hướng của Chương trình OCOP. Phải xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, chứ không thể làm kiểu phong trào, hình thức. Quá trình thực hiện phải gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.