(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm này, nông dân Quảng Ngãi bắt đầu xuống giống dưa hấu vụ mới. Bất chấp "thất bại" của những vụ dưa trước đó, cùng những khuyến cáo của ngành chức năng, hàng trăm hécta dưa hấu đã bén đất lên xanh. "Canh bạc" dưa hấu được - mất đang hiển hiện rất rõ và liệu rằng lời kêu gọi giải cứu dưa hấu có lặp lại không?
[links()]
Cứ trồng, tiêu thụ... tính sau
Khắp các triền sông, bãi bồi trong tỉnh giờ đang được cày xới, đánh luống, tủ bạt, xuống giống dưa hấu. Không khí vào vụ hết sức khẩn trương. Chúng tôi về vùng bãi bồi sông Trà Khúc, thuộc xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi), đứng trước những luống dưa đã bén rễ lên xanh dài ngút mắt, anh Nguyễn Văn Bình, quê xã Bình Dương (Bình Sơn) chia sẻ: "Năm nay, gia đình tôi thuê 4ha đất bãi bồi trồng dưa hấu, gấp đôi diện tích năm rồi. Dưa đã xuống giống được 10 ngày, khoảng cuối tháng 3 âm lịch là cho thu hoạch. Biết là dịch Covid-19 khó tiêu thụ, nhưng cứ phải trồng, khi thu hoạch tính sau". Cùng thuê đất trên triền sông Trà để trồng dưa hấu, ông Trần Huy, ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) cho biết: “Gia đình tôi trồng dưa hấu hơn 10 năm nay. Năm nay, thuê được đất thì cứ trồng đã, việc bán mua ra sao từ từ tính”.
Nông dân thuê cơ giới làm đất trồng dưa hấu trên bãi bồi sông Trà Khúc. |
Hầu hết người trồng dưa không trực tiếp đưa nông sản đi tiêu thụ mà bán qua tay thương lái. Người trồng dưa chỉ biết trồng, không mấy quan tâm, hiểu rõ ngọn ngành về tiêu thụ dưa như thế nào. Năm nào thương lái không ký kết được hợp đồng thì không mua và kết quả là dưa... ế!
Quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dưa hấu sau khi thu hoạch đã không xuất bán cho Trung Quốc được, lượng dưa ùn ứ lớn, giá giảm còn chưa đến 1.000 đồng/kg. Nông dân trồng dưa vụ xuân 2020 đều bị lỗ nặng. Đến vụ dưa hè 2020, giá bán tăng vọt lên 7.000 - 8.000 đồng/kg, người trồng dưa có lãi khá. "Năm nay, chúng tôi cũng đoán định tình hình thị trường chắc cũng như năm trước, cố gắng chấp nhận vụ đầu lỗ nếu không xuất đi Trung Quốc được, vụ sau hy vọng dịch lắng xuống, xuất bán giá cao, bù lỗ cho vụ trước", ông Phạm Đình Hoàng, ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) cho biết.
Việc trồng dưa hấu tự phát khiến nông dân gặp rất nhiều rủi ro. |
Trên thực tế, vụ dưa xuân của nông dân Quảng Ngãi vẫn dễ dàng hơn vụ dưa hè, do thu hoạch sớm hơn vụ dưa bên Trung Quốc. Năm 2021, theo thông tin từ Sở Công thương, vụ dưa hấu ở Trung Quốc sẽ xuống giống như các năm, tức là thu hoạch vào mùa hè, với diện tích lớn hơn những năm trước. Vì thế, nông dân Quảng Ngãi không nên đặt nhiều kỳ vọng vào vụ dưa hè, bởi không ảnh hưởng bởi dịch, thì thị trường Trung Quốc cũng đã "no" dưa nhà, lượng hàng nhập khẩu sẽ giảm sút mạnh.
Riêng về hy vọng tiêu thụ dưa hấu trên thị trường nội địa thông qua kêu gọi "giải cứu" là rất khó, vì "bài ca" này khá quen thuộc. Nhân dân cả nước sẵn sàng chia sẻ với nỗi khổ của người trồng dưa nhưng là chỉ nên giải cứu một vài lần. Còn liên tục điệp khúc "giải cứu", với lý do "cung vượt cầu" thì không nên.
Khó ổn định đầu ra
Phó Giám đốc Sở Công thương Đỗ Tiến Đạt cho rằng, dưa hấu ở Quảng Ngãi hiện nay nổi tiếng với vùng trồng rộng lớn, năng suất cao, nhưng vẫn là cây trồng tự phát, đầu ra không ổn định. Thời gian trồng, thu hoạch ngắn, nếu bán được giá thì thu lời rất cao. Thế nhưng năm nay, đây lại là mặt hàng sức tiêu thụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, do phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Nông dân cần thay đổi tư duy trong trồng trọt, hạn chế tình trạng trồng theo phong trào, không quan tâm đến thị trường tiêu thụ. Trước mắt, trong năm 2021 này, nông dân cần chuyển đổi sang trồng hoa màu khác, dễ tiêu thụ hơn.
|
Bài, ảnh: THANH NHỊ