(Báo Quảng Ngãi)- Tuy hoàn thành mục tiêu Chương trình Xây dựng NTM, nhưng kết quả vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Điều này đã và đang đặt ra nhiều thách thức về việc thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
[links()]
Những dấu ấn
Theo Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long, thì “điểm nhấn của Chương trình Xây dựng NTM năm 2020 chính là không phát sinh nợ đọng, cộng với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được chính quyền các địa phương và chủ thể hưởng ứng, tích cực tham gia”.
Đầu tư các mô hình phát triển sản xuất là một trong 4 nội dung trọng tâm của Chương trình Xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng của người dân xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). |
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 137 xã hoàn thành tiêu chí lao động việc làm; 120 xã hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,82%, thu nhập bình quân đạt 2.796 USD/người... Bên cạnh đó, diện mạo của 18/79 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu có sự thay đổi rõ rệt: Đường thôn, ngõ xóm được bê tông sạch sẽ; vườn tược được chỉnh trang, tường rào cổng ngõ khang trang; nhiều tuyến đường hoa được hình thành, người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Nỗ lực trong chặng đường mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả thực hiện Chương trình Xây dựng NTM của tỉnh được đánh giá là thấp so với bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, nhóm 8 tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội được ngân sách trung ương, tỉnh đầu tư trực tiếp trên 652 tỷ đồng (chiếm gần 90% tổng vốn đầu tư), nhưng mức độ hoàn thành thấp. Cụ thể, giao thông có 106 xã đạt, cơ sở vật chất văn hóa có 102 xã đạt, trường học có 98 xã đạt... Riêng tiêu chí giao thông và thủy lợi, dù được “tiếp sức” qua Đề án hỗ trợ xi măng, nhưng tỷ lệ hoàn thành lại thấp nhất trong nhóm 8 tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân theo các địa phương là, càng về sau, nhu cầu đầu tư lớn trong khi nguồn lực hạn chế, các nguồn huy động khác như tín dụng, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cho xây dựng NTM không đáng kể. Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM, vẫn còn tình trạng chính quyền một số địa phương thiếu quyết tâm và chưa thực sự coi trọng công tác kiểm tra và báo cáo tiến độ thực hiện các tiêu chí định kỳ, nên không tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bất cập. Thậm chí, việc đánh giá và thẩm tra kết quả thực hiện các tiêu chí NTM có nơi còn qua loa, chưa thực chất.
Năm 2021, dù toàn tỉnh đặt mục tiêu có 6 xã đạt chuẩn NTM, nhưng giai đoạn 2021 - 2025, có ít nhất 36 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 12 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng NTM tỉnh yêu cầu các địa phương tăng tốc thực hiện các giải pháp như huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư vào 4 nội dung chính, gồm: Hạ tầng kinh tế, sản xuất, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Bài, ảnh: THANH PHONG