(Baoquangngai.vn)-
Để kịp cung cấp nguồn thịt gia súc, gia cầm dồi dào cho thị trường Tết, hàng nghìn hộ nông dân Quảng Ngãi đang tích cực chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Đang là lúc thời tiết khắc nghiệt, nên công tác phòng chống dịch bệnh cũng được tăng cường.
[links()]
Sau khi xuất bán lứa gà thứ 2 trong năm, anh Lê Quốc Vị ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình đầu tư khoảng 2.000 con gà thịt để kịp bán Tết. Thời tiết vào dịp cuối năm do chuyển mùa nên các loại dịch bệnh có điều kiện phát sinh. Để đảm bảo đàn gà khỏe mạnh, anh gia cố lại chuồng trại, che chắn kỹ càng, nuôi nhốt khoa học. Do vậy, những ngày nhiệt độ xuống thấp cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe đàn gà.
Anh Vị chú trọng vào vệ sinh chuồng trại, che chắn gió kỹ lưỡng để phòng bệnh cho đàn gà |
Gà giống trước khi thả nuôi được kiểm tra sức khỏe, tiêm vắc-xin để phòng tránh dịch bệnh. Chuồng trại cũng được vệ sinh và phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đầu ra gặp khó khăn nên những lứa gà trước đó anh Vị không có lời.
Hiện nay giá gà có dấu hiệu tăng trở lại từ 10 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/kg, nên anh Vị yên tâm đầu tư cho vụ gà Tết. Với 2 chuồng gồm 2.000 con, anh đang kỳ vọng sẽ thu về khoảng 70 triệu đồng khi xuất bán cho thị trường Tết sắp tới.
Anh Vị chia sẻ: Sau những khó khăn vì dịch Covid-19 và bão, tôi cố gắng chăm đàn trở lại để kiếm thu nhập. Giai đoạn này sợ nhất là dịch bệnh nên tôi rất chú tâm phòng tránh bệnh cho gà. Thịt gà là một trong những mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất đợt Tết nên hy vọng sẽ gỡ gạc lại bớt những thiệt hại trong năm cũ.
Đàn gà 2.000 con của gia đình anh Vị đã được tiêm vắc xin đầy đủ, hứa hẹn sẽ cung cấp cho thị trường Tết nguồn thịt chất lượng |
Không chỉ các trang trại gà đang ra sức chăm đàn, nhiều hộ nuôi heo cũng đang tích cực tái đàn để kịp xuất bán dịp Tết. Nhưng khó khăn lớn nhất với các hộ chăn nuôi heo lúc này vẫn là dịch bệnh liên tục rình rập. Dịch tả heo Châu Phi hay lở mồm long móng, bệnh heo tai xanh thường xuất hiện vào dịp trời mưa lạnh thất thường như hiện tại.
Để phòng bệnh cho heo, có thu nhập cao dịp Tết, các hộ dân đã áp dụng nhiều cách chăn nuôi khoa học. Hơn 10 năm nay, ông Lý Văn Hải ở thôn Xuân Mỹ, xã Tịnh Hiệp tập trung đầu tư chăn nuôi heo. Mô hình của ông chủ yếu là nuôi heo nái đẻ để bán con giống và dùng giống heo tại chổ để nuôi heo thịt để bán.
Với mô hình này, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nên đàn heo của ông luôn phát triển tốt. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, ông biết thời điểm này nếu tái đàn nhanh sẽ có heo thịt kịp bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Trước khi tái đàn, ông Hải đã vệ sinh chuồng trại kỹ càng.
Nhiều hộ chăn nuôi heo cũng đang ý thức cao trong việc phòng bệnh cho heo, đảm bảo xuất bán cho thị trường Tết |
Trong lúc thả nuôi, đàn heo gồm 20 con, trong đó 4 heo nái và 16 heo thịt của gia đình ông được ăn uống sạch sẽ, chăm sóc cẩn thận. Với đàn heo thịt này, giá cả cũng thuận lợi mỗi con khoảng 5 triệu đồng, ông sẽ về tổng cộng khoảng 80 triệu đồng khi xuất bán ngay trước Tết.
“Người nông dân chủ yếu kiếm thu nhập từ con heo, con gà. Nên có khó, có khổ mấy cũng phải chăm đàn cho kỹ để lấy vài đồng vào dịp Tết. Để heo không bị bệnh thì tôi phải không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng cách chăn nuôi khoa học, vậy mới có thu nhập được”- ông Hải chia sẻ kinh nghiệm.
Lúc này việc đảm bảo an toàn vệ sinh chăn nuôi là hết sức cần thiết để đảm bảo đàn gia súc, gia cầm khỏe mạnh. Nếu sơ suất, nhiều hộ chăn nuôi dễ rơi vào cảnh trắng tay. Ông Nguyễn Thành Nghĩa- Cán bộ thú y xã Tịnh Hiệp cho biết: Tịnh Hiệp có hơn 100 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Xã đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh. Nhiều hộ chọn cách nuôi heo nái đẻ, sử dụng con giống tại chổ để nuôi thịt nên ít phát sinh dịch bệnh từ việc chọn mua giống.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ cho biết: Riêng đàn gà của tỉnh đã tăng 6 triệu con trong vòng 3 tháng nay. Việc bà con chăn nuôi tăng đàn để bù đắp nguồn cung thịt heo cho thị trường Tết Nguyên đán là phù hợp. Tuy nhiên, khi tăng đàn, bà con cần chú ý đến vấn đề nguồn giống.
Bên cạnh đó, với việc mật độ trại và khu vực, mật độ nuôi tăng lên sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh ở mức cao. Do đó, các trang trại cần chú ý đến vấn đề bảo đảm an toàn, thường xuyên tiêm vắc xin cho gia cầm, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh…
Thời tiết hiện nay có không khí lạnh. Đây là điều người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi, đặc điểm của chuồng trại chứ không chạy theo phong trào, gây rủi ro lớn cho kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: Khả Nhiên