Thanh toán không dùng tiền mặt: Còn nhiều khó khăn

08:01, 28/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tại khu vực nông thôn, miền núi, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều hạn chế, bởi cơ sở vật chất thiếu thốn, người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ thanh toán hiện đại. 
[links()]
Nhiều rào cản
 
Hiện nay, ở 5 huyện miền núi và huyện Lý Sơn, chỉ có 1 - 2 chi nhánh hoặc phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại. Thậm chí tại huyện Sơn Tây, ngoài Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thì không có bất cứ ngân hàng thương mại nào có chi nhánh hoặc phòng giao dịch, khiến các hoạt động giao dịch của người dân qua hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
 
Mặt khác, các trụ ATM chủ yếu tập trung ở các trung tâm huyện, thị trấn, thị xã, thành phố và các KCN. Do đó, chưa khuyến khích các đơn vị sử dụng ngân sách ở địa bàn nông thôn, miền núi tham gia vào việc thanh toán lương qua tài khoản, cũng như người dân ở những địa bàn này tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. 
 
Người dân sử dụng phương thức quẹt thẻ trên máy POS khi mua hàng tại một cửa hàng bách hóa, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).
Người dân sử dụng phương thức quẹt thẻ trên máy POS khi mua hàng tại một cửa hàng bách hóa, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).
Chị Đinh Thị Mới, một công chức cấp xã ở huyện Sơn Tây chia sẻ: “Trước đây, tôi có mở thẻ ATM ngân hàng, rồi được trả lương qua tài khoản, nhưng nhận lương xong, tôi phải đi mấy chục cây số đến trụ ATM của Ngân hàng NN&PTNT ở huyện Sơn Hà để rút tiền. Việc đi về rất mất thời gian và tốn chi phí”.
 
Không chỉ rút tiền hay chuyển khoản, mà việc đáp ứng các nhu cầu trong thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực dịch vụ công như thu nộp ngân sách, lệ phí, hóa đơn điện, nước, nộp phạt vi phạm hành chính... của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi còn rất thấp. Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Sơn Hà - Sơn Tây Đinh Ngọc Anh cho biết: Thời gian qua, Chi cục đã triển khai phương thức nộp thuế không dùng tiền mặt đối với hộ kinh doanh trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, do trên địa bàn chỉ có một ngân hàng NN&PTNT, nên cũng khó triển khai mạnh, vì nhiều người sử dụng thẻ ngân hàng khác.
 
Cần lộ trình dài để thay đổi
 
Trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu: “Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020”.
 
Tuy nhiên, hiện chỉ có 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Điều này chứng tỏ, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn cao. 
 
Để đạt được những kỳ vọng trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, vẫn cần một lộ trình rất dài và hợp lý để giải quyết từng bước những khó khăn. Nhưng trên hết vẫn là nỗ lực thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại.
 
Theo Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công, để tạo điều kiện cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa không có phòng giao dịch, chi nhánh của Agribank, ngân hàng đã đưa vào sử dụng mô hình "ngân hàng di động". Mỗi tuần hoặc mỗi tháng, sẽ đến các xã để người dân có thể thực hiện các giao dịch mà không cần phải đi xa đến trụ sở ngân hàng. Đặc biệt, Agribank cũng đã triển khai thực hiện thẻ thấu chi với hạn mức tối đa 30 triệu đồng/tài khoản dành cho nông dân. Theo đó, đến nay, số lượng thẻ thấu chi cũng đã đạt 6.314 thẻ, giúp người dân vùng nông thôn có thể xoay xở trong lúc khó khăn, hạn chế tín dụng đen.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.