Tập trung các giải pháp phòng chống bệnh khảm lá mì

09:01, 08/01/2021
.
(Baoquangngai.vn) - Sáng 6.1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã chủ trì cuộc họp triển khai các giải pháp trong sản xuất, phòng chống bệnh khảm lá mì (sắn) trên địa bàn tỉnh.
[links()]
Bệnh khảm lá mì xuất hiện đầu tiên ở Quảng Ngãi vào tháng 9.2019 tại xã Sơn Giang (Sơn Hà), sau đó lây lan nhanh ra các địa phương như Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Đức, Minh Long…

Vụ mì năm 2020, diện tích mì bị nhiễm bệnh là 4.768/16.461ha. Bệnh gây hại trên các giống mì, nặng nhất là 2 giống là KM419 và KM 410. Giống mì KM94 ít bị nhiễm bệnh hơn các giống khác. Dù đã tổ chức nhiều biện pháp phòng trừ nhưng không hiệu quả.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay còn lại khoảng 200ha chưa thu hoạch. Phần lớn diện tích đã thu hoạch và nông dân đang xuống giống vụ mới khoảng 1.330 ha.
 
khảm lá
Vụ sản xuất qua, gần 35% diện tích mì của Quảng Ngãi nhiễm bệnh khảm lá.

 

Niên vụ 2020-2021, Quảng Ngãi có kế hoạch sản xuất trên 14.530ha mì. Tuy nhiên, do bệnh virus khảm lá cùng với ảnh hưởng của lũ lụt, các địa phương phải thu hoạch sớm để giảm thiệt hại nên khả năng đảm bảo nguồn giống chỉ trên 3.240ha. Nhu cầu giống cần hỗ trợ là 11.289ha với khoảng 135.475 hom giống.

Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đang tìm nguồn giống tại tỉnh Kon Tum để cấp giống cho nông dân, dự kiến cấp trồng mới 850ha. Do đó, còn cần khoảng 125.275ha hom giống mới đảm bảo tổ chức sản xuất vụ mới.

Tại cuộc họp, các địa phương đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức tiêu hủy hom giống bị bệnh và hỗ trợ hom giống cho dân xuống giống vụ mới. Đồng thời có phương án xây dựng vùng sản xuất giống sạch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhân giống từ các giống mới được công bố kháng bệnh virus khảm lá để ổn định sản xuất lâu dài.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được đặc điểm, tác hại của bệnh khảm lá mì và các biện pháp phòng trừ ngay từ khi bệnh xuất hiện để ngăn chặn bệnh lây lan.

Các địa phương cần rà soát các vùng sạch bệnh để bà con sản xuất, trong đó giống mì KM94 phù hợp, có hàm lượng tinh bột lớn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tăng diện tích hỗ trợ giống cho dân.

Tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ cho huyện Sơn Hà, nơi có diện tích mì bị bệnh nhiều nhất. Đối với các địa phương còn lại chủ động trong việc trích kinh phí, hỗ trợ phòng chống, tiêu hủy diện tích mì bị bệnh để tránh lây lan và hỗ trợ giống cho dân.

Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương chủ động chuyển đổi diện tích mì bị khảm lá sang các loại cây trồng khác phù hợp. Về lâu dài, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT phối hợp nghiên cứu đề tài khoa học về bệnh khảm lá mì để có các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm phòng, chống bệnh căn cơ, hiệu quả.

A.KIỀU

.