(Baoquangngai.vn)-
Sau 2 năm triển khai, Dự án trồng thực nghiệm cây Sacha Inchi (Sachi) trên địa bàn huyện Ba Tơ không mang lại kết quả như kỳ vọng. Phần lớn diện tích cây Sachi của dự án đã bị chết. Hơn 2,3 tỷ đồng ngân sách Nhà nước và của nhân dân đang dần bay theo mây khói.
[links()]
Dự án trồng thực nghiệm cây Sachi được huyện Ba Tơ giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai từ đầu năm 2019 tại 3 xã Ba Tô, Ba Tiêu, Ba Động. Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 11,6ha, trong đó, xã Ba Động 2,9ha/1 hộ và 1 tổ chức Hợp tác xã; xã Ba Tô 2,975ha/7 hộ và xã Ba Tiêu 5,75ha/6 hộ. Mức đầu tư đã thực hiện dự án trên 2,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1,63 tỷ đồng, còn lại là người dân đóng góp đầu tư.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Tơ đã phối hợp với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín để hỗ trợ cây giống, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, hướng đến phát triển bền vững,
Theo tính toán, dự kiến, trong năm đầu thu hoạch, chỉ với 1ha, cây Sachi cho thu hoạch 1.000kg, với giá bán thấp nhất 50.000 đồng/1kg, người trồng có doanh thu 50 triệu đồng và doanh thu này tăng dần trong những năm kế tiếp. Cụ thể, từ năm thứ ba trở đi, lợi nhuận tăng lên ổn định với mức lãi hơn 147 triệu đồng/ha.
Những người thực hiện dự án kỳ vọng, nếu dự án trồng thử nghiệm mô hình cây Sachi thành công thì nó sẽ đem lại ý nghĩa quan trọng, tạo cơ hội cho người nông dân thoát nghèo, làm giàu, đa dạng cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương và thị trường, giảm thiểu những cây trồng kém hiệu quả để mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế huyện nhà.
Hiệu quả của dự án không như mong đợi của người dân tham gia mô hình trồng cây Sachi |
Phải thừa nhận rằng, đây là ý tưởng tốt đẹp, chỉ tiếc rằng, sau 2 năm triển khai, hầu hết diện tích cây Sachi của dự án đã bị chết, những mục đích tốt đẹp đó cũng không được như mong muốn. Dự án không đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, không đạt mục tiêu đề ra.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trên diện tích thực hiện dự án trồng thực nghiệm cây Sachi hiện chỉ còn 1.750 cây sống/11,625ha đạt tỷ lệ 4,51%. Trong đó, tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm thủy sản Trường An ở xã Ba Động là 1.250 cây/2,7ha, tỷ lệ gần 14% và hộ Chu Minh Hùng, xã Ba Tiêu là 500 cây/2,2ha, tỷ lệ 6,82%, tuy nhiên, số lượng cây còn lại phân bố rải rác, không tập trung thành vùng.
Điều đáng nói, một số diện tích cây Sachi dù đã ra hoa và cho quả nhưng cũng bị bị chết. ‘Vỡ mộng’ với dự án nên đa số các hộ không muốn tiếp tục tham gia dự án và đã chuyển đổi sang cây trồng khác.
Điều kiện thời tiết không phù hợp kết hợp với sâu bệnh,... khiến nhiều diện tích cây Sachi bị chết |
Theo báo cáo của UBND huyện Ba Tơ, nguyên nhân khiến dự án không đạt với mục tiêu ban đầu đề ra là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn, lượng mưa ít, không đảm bảo nguồn nước tưới.
Đồng thời, cây Sachi dù được đánh giá là loại cây dễ trồng, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương…, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kết quả cho thấy, loại cây này rất mẫn cảm với sâu bệnh hại, đặc biệt là một số loại nấm gây hại rễ và tuyến trùng làm chết cây từ giai đoạn cây con và cây trưởng thành đã ra hoa và cho quả, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và hiệu quả cây trồng.
Cùng với nguyên nhân khách quan thì một trong những nguyên nhân khác khiến tỷ lệ cây Sachi chết cao là do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật nên trong quá trình triển khai đơn vị lúng túng với các loại dịch bệnh phát sinh, chưa đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Đa số các hộ tham gia dự án đã chuyển diện tích trồng cây Sachi sang trồng các cây trồng khác |
Trước thất bại của dự án, UBND huyện Ba Tơ đề nghị Phòng NN& PTNT huyện, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc đề xuất xây dựng mô hình, dự án; tham mưu xây dựng các quy mô nhỏ để đánh giá, đúc kết quy trình kỹ thuật, điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng, tính thích nghi của loài cây trồng mới trước khi đề xuất thực hiện quy mô lớn trên địa bàn huyện.
Đến lúc này có thể khẳng định Dự án trồng thực nghiệm cây Sachi đã thất bại. Người dân cho rằng, nếu như dự án được nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn được cây, con giống phù hợp với địa phương thì những đồng vốn của Nhà nước và tiền đầu tư của người dân tham gia dự án sẽ không bị lãng phí và dự án sẽ không bị ‘chết yểu’.
PV