(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2018 đến nay, nhiều công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương và kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển... đã được đầu tư xây dựng hoàn thành, kịp thời đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của người dân.
[links()]
Niềm vui của người dân
“Bờ biển Lệ Thủy bị sạt lở, nên vào mùa mưa bão, lo sóng biển đánh vào nhà, uy hiếp tính mạng và cuốn trôi tài sản như năm 2009, nên tôi cũng như một số người vào xóm trong mua đất, làm nhà ở tạm”, ông Nguyễn Ba, ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn) cho biết. Tuy nhiên, khi dự án Kè chống sạt lở bờ biển thôn Lệ Thủy, tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, được triển khai thực hiện vào năm 2019, ông Ba và hàng chục hộ dân phấn khởi, quay về sửa chữa nhà cửa khang trang hơn. Đặc biệt, mùa mưa bão năm 2020, người dân sống dọc bờ biển Lệ Thủy thở phào nhẹ nhõm, vì kè chống sạt lở đảm bảo an toàn, nên không xảy ra tình trạng biển “ngoạm” đất và nhà như trước. Không những vậy, tuyến hành lang bảo vệ kè rộng rãi, được bê tông hóa, nên bờ biển Lệ Thủy bỗng nhộn nhịp và “sáng” hơn.
Đập ngăn mặn Trà Bồng (Bình Sơn) cơ bản hoàn thành, vừa giúp người dân xã Bình Dương đi lại an toàn, vừa ngăn mặn giữ ngọt để cung cấp nước phục vụ sản xuất. |
Góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” (WB8) đã mang lại niềm vui cho hàng chục nghìn nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 11/11 công trình hồ đập được nâng cấp, sửa chữa và hoàn thành đúng tiến độ, vừa đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2020, vừa tham gia tích nước, phục vụ sản xuất năm 2021. Hay công trình Chống bồi lấp Cửa Đại (tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng) hoàn thành đã mang lại niềm vui kép cho người dân xã Tịnh Khê, Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). Nhờ tuyến đê Bắc được kiên cố giải tỏa nỗi lo “mưa lở nắng bồi”, còn việc nạo vét thông luồng cửa sông Phú Thọ và sông Kinh đã giúp tàu thuyền của người dân ra vào thuận lợi, an toàn.
Thực tế, việc thi công các công trình thủy lợi không chỉ phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thời vụ sản xuất. Trong khi mùa nắng - thời điểm thuận lợi để tổ chức thi công, thì thời gian cắt nước giữa hai vụ sản xuất đông xuân và hè thu chỉ có 20 - 25 ngày. Vì vậy, các đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn và áp lực, vì phải chạy đua với thời gian. “Hiểu rõ tính cấp bách và đặc thù riêng của các dự án thủy lợi, nên chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc các đơn vị tập trung phương tiện và nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công, để công trình vừa về đích đúng hẹn, vừa đảm bảo chất lượng”, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Từ Văn Tám cho biết.
Đến nay, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục hoàn tất, trong đó có một số dự án thành phần thuộc Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung, như: Kè chống sạt lở bờ bắc sông Cây Bứa (Tư Nghĩa); Kè chống sạt lở bờ bắc sông Vệ, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) và Kè chống sạt lở bờ Nam sông Vệ, xã Đức Thắng (Mộ Đức); Đường tránh lũ Ba Tơ - Minh Long... vừa mang lại niềm vui cho người dân trong vùng dự án, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài, ảnh: MỸ HOA