(Báo Quảng Ngãi)- Cứ đến mùa biển động, hơn 1.000 tàu công suất nhỏ (dưới 20CV) của ngư dân các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh lại nằm bờ. Sinh kế của ngư dân vào mùa biển động trở nên khó khăn hơn, buộc họ phải đi khắp nơi để mưu sinh bằng đủ các nghề.
[links()]
Chật vật mùa “nghỉ biển”
Với đặc thù “tàu nhỏ, máy nhỏ” không chịu được sóng gió, nên từ tháng 7 âm lịch trở đi, khi thời tiết thường xuyên có mưa, gió nhiều, cũng là lúc hầu hết các ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ trên các tàu dưới 20CV bước vào mùa “nghỉ biển”. “Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng, nghề đánh bắt ven bờ là nghề “làm nửa năm, nghỉ nửa năm”. Bởi đến tháng 7, 8 âm lịch, chỉ cần gió cỡ cấp 4 trở lên là chúng tôi đã không thể vươn khơi được. Thành thử, cứ đến mùa biển động, đành cho tàu nằm bờ rồi... ở không”, ngư dân Huỳnh Ngon, ở phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) tâm sự.
Cứ đến mùa biển động, các tàu đánh bắt ven bờ tại phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) lại nằm bờ. |
Tại các xã bãi ngang như Đức Lợi, Đức Phong, Đức Minh (Mộ Đức), do tình hình thời tiết năm nay bất lợi, nên ngay từ tháng 7 âm lịch, hơn 300 tàu đánh bắt ven bờ của ngư dân địa phương đều neo bờ. “Vợ chồng tôi đi biển trên chiếc thuyền nan tròng trành, chỉ cần biển nổi gió, là thuyền chao đảo ghê lắm. Do vậy, cứ đến mùa biển động, hai vợ chồng lại ở nhà làm nông. Nghề biển gần bờ 6 tháng làm, 6 tháng nghỉ, mùa mưa chỉ biết trông chờ vào mấy sào củ từ, chứ không biết làm gì cho có thu nhập”, ngư dân Huỳnh Rị, ở xã Đức Minh bộc bạch.
Không có đất nông nghiệp, nên khi bước vào mùa “nghỉ biển”, ngư dân Lê Bá Nhựt, ở xã Đức Lợi chuyển sang nghề thu mua phế liệu cùng vợ. “Không đi biển được, tôi phụ vợ thu mua ve chai để kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Không có đất, lại chẳng có nghề nào ngoài nghề biển, nên chẳng biết làm gì để mưu sinh”, ngư dân Nhựt phân trần.
Ly hương để mưu sinh
Không tìm được việc làm phù hợp tại quê nhà, nên vào mùa biển động, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh lại bắt đầu hành trình ly hương để tìm hướng mưu sinh. “Nếu chỉ bám vào nghề lưới ven bờ để mưu sinh, thì chỉ có “đói”. Ngày xưa làm 6 tháng, nghỉ 6 tháng cũng không lo, vì cá nhiều nên tàu lúc nào cũng đầy khoang. Còn mấy năm gần đây, có bữa, tàu nhà tôi lỗ tổn. Vậy nên, vợ chồng tôi buộc phải gom góp tiền mua 1ha rẫy ở tỉnh Gia Lai. Đến mùa biển động là gửi con cho cha mẹ, khăn gói lên Tây Nguyên làm rẫy. Còn các tháng mùa nắng, từ 12 - 20 âm lịch, những ngày trăng sáng, khó đánh bắt cá, hai vợ chồng tôi cũng đều đặn đón xe lên rẫy để tưới nước, nhổ cỏ. Một cảnh hai quê, hai nghề cực khổ lắm. Nhưng đành cố gắng mới đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình”, ngư dân Bùi Minh Nghĩa, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) trầm ngâm.
Ngư dân Đức Lợi đưa tàu về bờ và nghỉ biển trong những tháng biển động. |
Gác lại nghề biển chờ qua mùa biển động, hơn 100 ngư dân tại các làng chài Châu Thuận Biển, Phú Quý, An Hải (Bình Châu) đã di cư lên Tây Nguyên để trồng cà phê, hồ tiêu. Song, nếu như những năm trước, đây chính là sinh kế mới, mang lại thu nhập khá cho ngư dân, thì 3 năm trở lại đây, khi giá hồ tiêu và cà phê đồng loạt tụt dốc không phanh, ngư dân xã Bình Châu lại oằn lưng gánh thêm những nhọc nhằn. “Lúc mua rẫy trên Gia Lai, giá cà phê ở mức 45 - 47 nghìn đồng/kg, năm nay chỉ còn 32 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, chúng tôi lỗ tiền xe cộ đi lại, nhưng lỡ mua rẫy rồi nên phải cố gắng bấu víu”, ngư dân Lê Thanh nhẩm tính.
Không cam chịu để tàu nằm bờ suốt mấy tháng liền, hơn 40 chủ tàu đánh bắt vùng ven bờ và vùng lộng tại phường Phổ Vinh cũng lựa chọn giải pháp... ly hương và quyết định “di cư” vào Kiên Giang làm biển. “Thời tiết miền Nam mùa này khá thuận lợi để đi biển, nên vợ chồng tôi quyết định gửi con lại cho cha mẹ ở quê, rồi đem tàu di cư vào Nam. Tại đây, chúng tôi làm biển quanh năm, chứ không nghỉ dài ngày vào mùa biển động như ở quê, nên thu nhập cứ đều đặn hằng tháng, không lo thiếu trước hụt sau”, chị Nguyễn Thị Phượng, vợ ngư dân Võ Cho chia sẻ.
Theo chân người đi trước, các ngư dân trẻ phường Phổ Vinh bây giờ, cứ đến mùa biển động lại khăn gói vào Nam xin đi bạn trên những chiếc tàu của đồng hương. “Mùa biển yên thì đi biển ở quê, mùa biển động lại đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... để đi bạn trên tàu của các anh cùng quê. Chỉ có rời quê để đi biển nơi khác thì may ra kiếm được 10 - 15 triệu đồng/tháng gửi về cho vợ con vào mùa biển động. Chứ nếu ở quê, chúng tôi không biết lấy gì mà sống”, ngư dân Nguyễn Hữu, ở phường Phổ Vinh tâm sự.
Khoảng 50% ngư dân thất nghiệp vào mùa biển động
Theo Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) Trần Lệ, phường Phổ Vinh có 75 tàu đánh bắt gần bờ, giải quyết việc làm cho khoảng 150 - 200 lao động. Cứ đến mùa biển động, ngư dân lại tạm thời... thất nghiệp. Chỉ 50% trong số đó chuyển được sang nghề nông để làm đỡ trong mấy tháng mùa mưa. Còn lại, phần vì đất đai canh tác không nhiều, phần vì chưa tìm được cây trồng phù hợp với đất đai ven biển vào mùa mưa... nên đành ở nhà suốt mấy tháng, chờ đến cuối tháng Chạp mới vươn khơi.
|
Bài, ảnh: Ý THU