Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm

06:01, 09/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong năm 2020, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nỗ lực tăng công suất các phân xưởng của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, tối đa lợi nhuận cho công ty trên 7,5 triệu USD/năm. Qua đó góp phần giúp BSR vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu.
[links()]
Nâng công suất chế biến
 
Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết: Trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 NMLD Dung Quất, công ty đã tiến hành thay thế xúc tác chủng loại mới có khả năng xử lý tạp chất tốt hơn và hoạt tính cao hơn so với xúc tác cũ tại 2 phân xưởng sản xuất xăng NHT và CCR. Kết hợp với các sáng kiến, cải tiến về công nghệ, NMLD Dung Quất đã nâng công suất thành công các phân xưởng quan trọng như NHT từ 128% lên 135%, CCR từ 105% lên 110%, ISOMER từ 130% lên 150%. Nhà máy luôn vận hành ở công suất tối ưu để tăng tốc “về đích sớm” kế hoạch sản lượng năm, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho công ty. 
Phân xưởng CCR sản xuất xăng Reformate chỉ số Octan (RON) cao.
Phân xưởng CCR sản xuất xăng Reformate chỉ số Octan (RON) cao.
Cụ thể, tại phân xưởng NHT, BSR đã nghiên cứu, thay thế xúc tác S-120 có gốc Co-Mo/A12O3 sang xúc tác có gốc Ni-Mo/A12O3 có khả năng tách loại Nitrogen cao hơn, tăng khả năng xử lý các loại dầu thô nhập khẩu trong tương lai. Còn tại phân xưởng CCR, BSR đã thay thế xúc tác R-234 bằng xúc tác R-264, có khối lượng riêng và hoạt tính cao hơn R-234 nên thuận lợi cho việc tăng công suất phân xưởng CCR.
 
 Việc sử dụng xúc tác R-246 đã giúp tăng hiệu quả kinh tế cho BSR khoảng 3,4 triệu USD/năm, nhờ tăng công suất phân xưởng CCR lên cao hơn công suất thiết kế (từ 105% lên 110% công suất thiết kế), giúp Nhà máy tối đa sản xuất xăng Mogas 95. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất xăng có chỉ số RON cao và cân bằng với công suất phân xưởng CCR ở 110%, BSR đã thử nghiệm thành công tăng công suất phân xưởng NHT từ 130% lên 135% công suất thiết kế. Hiệu quả tăng thêm cho Nhà máy là trên 4,5 triệu USD/năm.
 
Như vậy, với các giải pháp thay thế chủng loại xúc tác mới, kết hợp với các cải tiến về vận hành công nghệ đã giúp cho NMLD Dung Quất tăng công suất 2 phân xưởng CCR và NHT lên mức tối đa, nhằm tận dụng cơ hội thị trường khi nhu cầu sản phẩm xăng tăng cao, giá tốt góp phần gia tăng lợi nhuận cho BSR trên 7,5 triệu USD/năm.
 
Giải pháp làm lợi 130 tỷ đồng
 
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng là nơi ươm mầm và sản sinh ra nhiều ý tưởng, sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật có giá trị khoa học, thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mới đây nhất là “Giải pháp loại bỏ tạp chất kim loại sắt và canxi trong nguyên liệu của phân xưởng RFCC” của đội ngũ kỹ sư BSR đã đoạt giải Ba tại Cuộc thi “Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành công thương năm 2020”. Giải pháp này cũng được bình chọn là Nhóm cải tiến được yêu thích nhất cuộc thi.
 
Sáng kiến loại bỏ tạp chất kim loại sắt và canxi trong dầu thô bằng hóa chất chính thức được áp dụng dài hạn từ đầu năm 2015 cho đến nay, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định NMLD Dung Quất. Giá trị kinh tế của giải pháp ước tính tối thiểu khoảng 6,2 triệu USD/năm (khoảng 130 tỷ đồng). Hiện tại, Nhóm cải tiến vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tối ưu hóa chất cũng như hệ thống châm hóa chất để nâng cao và duy trì ổn định hiệu quả tách loại sắt và canxi ở mức cao.
 
Theo thiết kế ban đầu của NMLD Dung Quất, các kim loại sắt và canxi không được định lượng vì nguyên liệu sử dụng chủ yếu là từ mỏ dầu Bạch Hổ, vốn là dầu “ngọt”, chứa rất ít các tạp chất trên. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011, hàm lượng sắt và canxi trong nguyên liệu của phân xưởng RFCC tăng lên nhiều lần, tạo kết tụ, gây đóng cặn và tắc nghẽn. Trước tình hình đó, BSR đã thành lập nhóm điều tra xử lý vấn đề trên. 
 
Sau khi phân tích kỹ các nguyên nhân, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất sử dụng hoá chất để loại bỏ các tạp chất ra khỏi nguyên liệu của phân xưởng RFCC. Phương án này có chi phí đầu tư thấp, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đề ra mà không phải bổ sung cấu hình nhà máy. Kết quả quá trình áp dụng 1 tháng cho thấy, hiệu suất tách hàm lượng sắt và canxi trong dầu thô tại nhà máy tăng thêm khoảng 33%, vượt trội so với yêu cầu kỹ thuật đề ra. Qua thực tiễn cho thấy, hiệu suất tách loại sắt và canxi luôn được duy trì ổn định ở mức trung bình trên 60%, mặc dù hàm lượng tạp chất trong dầu thô đã tăng cao hơn rất nhiều so với năm 2014.
 
Phó Giám đốc NMLD Dung Quất Đặng Ngọc Đình Điệp phân tích: Theo các số liệu tính toán, phương án này đã làm lợi cho nhà máy tối thiểu khoảng 6,2 triệu USD/năm. Giải pháp này còn mở ra hướng đi mới trong việc xử lý các tạp chất kim loại trong dầu thô với chi phí rất thấp và hiệu quả kinh tế cao.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 

.