Ngành ngân hàng: Nỗ lực duy trì tăng trưởng

09:01, 31/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung, mức tăng trưởng tín dụng đạt thấp, ngành ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất huy động, để có cơ sở giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
[links()]
Tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế
 
Trong năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho 157 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với dư nợ 609 tỷ đồng; đồng thời, tạo điều kiện cho vay mới cho 5.682 khách hàng, với dư nợ 17.212 tỷ đồng. 
Khách hàng đến giao dịch tại SeABank Quảng Ngãi.
Khách hàng đến giao dịch tại SeABank Quảng Ngãi.
Không chỉ hỗ trợ khách hàng trong năm 2020 đầy biến động và khó khăn, mà hiện các ngân hàng cũng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng với lãi suất thấp. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,5%/năm.
 
Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hùng cho biết: BIDV đang triển khai gói vay vốn trung dài hạn “Đồng hành, vươn xa”, với quy mô 50.000 tỷ đồng. Theo đó, từ nay đến hết ngày 30.6.2021, khi tham gia vay vốn, khách hàng sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm. Với gói vay ngắn hạn “Kết nối - vươn xa” quy mô 40.000 tỷ đồng, khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5 - 5,5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng đến 12 tháng.
 
Tại Vietcombank, hiện 5 lĩnh vực cho vay ưu tiên đang được áp dụng mức lãi suất chỉ từ 4,5%/năm; cho vay ưu đãi ngắn hạn với lãi suất 6,5%/năm đối với DN. Vietcombank đang tiến tới đẩy mạnh tiết giảm hơn các chi phí, đẩy mạnh đầu tư các gói ưu đãi cho vay nhằm giảm thêm lãi vay, phục vụ tối đa nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.
 
Theo dự đoán của các chuyên gia tài chính ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2021 có thể giảm nhẹ nhờ lãi suất huy động đang giữ ổn định ở mức thấp, qua đó tạo tiền đề kéo lãi vay giảm, nhất là ở các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
 
Hạn chế phát sinh nợ xấu
 
Năm 2020, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng ở lĩnh vực cho vay kinh tế biển, nhất là cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ và cho vay đóng tàu, mua sắm ngư lưới cụ hành nghề lưới kéo, giã cào. Theo đó, tổng nợ xấu toàn ngành là 1.550 tỷ đồng, so với cuối năm 2019 tăng 8,2%, chiếm 2,8%/tổng dư nợ.
 
Bước sang năm 2021, dự báo tình hình kinh tế vẫn còn diễn biến khó lường, khi đại dịch Covid-19 chưa được khống chế. Do đó, hoạt động của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có nhiều biến động. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong các giải pháp trọng tâm của năm 2021, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả để hỗ trợ quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN và người dân với lãi suất hợp lý; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị thiệt hại do dịch Covid-19.
 
Các chi nhánh, tổ chức tín dụng cần tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, nhất là nợ xấu phát sinh cho vay đóng tàu khai thác thủy sản; đồng thời, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng lành mạnh, hạn chế nợ xấu phát sinh thêm...
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.