Hải đảo, miền núi không lo thiếu hàng hóa dịp Tết

08:01, 28/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Càng gần đến tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường tiêu dùng ở các huyện hải đảo, miền núi trên địa bàn tỉnh trở nên sôi động hơn. Đây là bước đệm quan trọng để Quảng Ngãi sớm khôi phục hoạt động thương mại, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và thiên tai trong năm 2020.
[links()]
Thời tiết những ngày cuối năm không thuận lợi, khiến cho hoạt động vận tải hàng Tết ra đảo Lý Sơn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, khi tàu hàng được phép ra khơi, thì hàng hóa được xếp đầy tàu để vận chuyển từ cảng Sa Kỳ về đảo.  
Vận chuyển quất cảnh ra đảo Lý Sơn phục vụ thị trường Tết.
Vận chuyển quất cảnh ra đảo Lý Sơn phục vụ thị trường Tết.
Theo lãnh đạo huyện Lý Sơn, tính đến nay đã có hàng trăm tấn hàng thiết yếu đưa ra đảo phục vụ Tết như: Gạo, bánh mứt, thực phẩm chế biến sẵn, heo, gà, vịt... đã được các cửa hàng, đại lý nhập về. "Ngoài hàng hóa phục vụ người dân địa phương ăn Tết, những năm gần đây, mỗi dịp Tết, khách du lịch đến đảo rất đông, vì thế phải chuẩn bị số lượng hàng hóa đủ để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Với lượng hàng hóa đã về đảo hiện nay, có thể khẳng định, huyện Lý Sơn sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa Tết", Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết.
 
Các cơ quan chức năng của huyện Lý Sơn cũng đang tăng cường kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa, để phát hiện sớm, xử lý nghiêm đối với hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu; đồng thời, tổ chức cho các tiểu thương ký cam kết niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không tạo khan hiếm giả, để tăng giá, trục lợi. Các tàu chở hàng cũng được chính quyền địa phương kêu gọi tăng chuyến khi điều kiện thời tiết thuận lợi, để vận chuyển kịp thời hàng hóa Tết ra đảo. Ngoài lương thực, thực phẩm, những ngày này, một lượng hoa Tết khá lớn cũng được đưa ra đảo để phục vụ người dân. Giá bán các mặt hàng hiện nay vẫn giữ ổn định, riêng giá hoa ở đảo cao hơn hàng cùng loại trong đất liền khoảng 20 - 50%, do phải gánh thêm chi phí vận chuyển ra đảo.
 
Tại các huyện miền núi như Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, hàng Tết đã tập kết khá nhiều. Hàng tràn ngập các chợ, cửa hàng kinh doanh và cả "chợ di động" là những chiếc xe tải nhỏ len lỏi chở hàng về tận thôn, khu dân cư. Ngoài ra, hàng Tết, nhất là quần áo, giày dép, các loại thực phẩm như thịt heo, gà, vịt... còn được hệ thống bán hàng qua mạng giao hàng tận nơi. Vì thế, tình trạng khan hàng, sốt giá vào những ngày cận Tết ở vùng cao Quảng Ngãi cũng khó xảy ra. 
Hoa Tết ở đảo Lý Sơn.
Hoa Tết ở đảo Lý Sơn.
Tình hình lưu thông hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu tại thị trường Quảng Ngãi cơ bản ổn định, giá cả không biến động nhiều. Việc đảm bảo tuân thủ mua sắm theo khuyến cáo của ngành y tế (đeo khẩu trang, vệ sinh sát khuẩn, đo thân nhiệt...) được thực hiện nghiêm túc tại các siêu thị, hệ thống các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 ước đạt 4.851 tỷ đồng, đạt 8,8% so với kế hoạch năm 2021, tăng 2,1% so với tháng 12.2020.  
Tín hiệu vui từ xuất khẩu
 
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 127,7 triệu USD, đạt 9,1% kế hoạch năm, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,9% so với tháng 12.2020. Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là: Tinh bột mì ước đạt 14,5 triệu USD, tăng 67%; may mặc ước đạt 3,8 triệu USD, tăng 175%; giày da các loại ước đạt 11,2 triệu USD, tăng 18,2%... Một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm, nhưng chủ yếu là hàng công nghiệp, do đơn hàng đã xuất đi hết vào tháng 12.2020. Riêng dầu FO, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,9 triệu USD, giảm 11,5%. Nhập khẩu vẫn chủ yếu là các mặt hàng dầu thô, sắt thép, máy móc, phụ tùng thay thế... phục vụ nhu cầu sản xuất ở tỉnh, với kim ngạch ước đạt 143 triệu USD, đạt 8,2% kế hoạch năm, giảm 39,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.