Giảm phụ thuộc nguồn thu ngân sách từ lọc dầu: Cần có giải pháp phù hợp

07:01, 12/01/2021
.
Những năm qua, phần lớn nguồn thu ngân sách của tỉnh dựa vào Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, thuộc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Việc phụ thuộc nguồn thu quá lớn đã khiến cán cân điều hành ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh rơi vào bị động khi giá dầu giảm. Do đó, một trong những vấn đề quan trọng của tỉnh trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 là phải tìm ra các nguồn thu khác, bên cạnh nguồn thu từ  NMLD Dung Quất.
[links()]
Nguồn thu chưa đa dạng, thiếu bền vững
 
Những năm qua, nền kinh tế Quảng Ngãi được trung ương đánh giá cao nhờ nguồn thu ngân sách ổn định, cũng như công tác điều hành nguồn vốn đầu tư công một cách hiệu quả. Song, trong năm 2019 và 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và giá dầu giảm sâu đã tác động đến nền kinh tế, khiến nguồn thu ngân sách của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra.  
Quảng Ngãi có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư để tạo nguồn thu ngân sách, nhất là công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất.
Quảng Ngãi có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư để tạo nguồn thu ngân sách, nhất là công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất.
Nhiều chuyên gia về tài chính ngân sách cho rằng, kể từ khi Quảng Ngãi lọt vào tốp các tỉnh, thành có số thu ngân sách cao trong cả nước (chủ yếu nhờ nguồn thu từ NMLD Dung Quất) đến giờ chưa tạo ra được thêm “cú đấm thép” nào khác vững mạnh, ngoại trừ mới đây có dự án Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. 
 
“Chúng ta không thể đổ lỗi cho việc phụ thuộc nguồn thu là do không có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển một cách thần tốc. Lỗi ở đây là cơ chế, chính sách vận hành bộ máy, vận hành trục phát triển chưa đi đúng hướng. Đơn cử như bờ biển dài hơn 130km, có hàng chục địa điểm được xem là “nàng tiên”, có khu vực quỹ đất ven biển dồi dào, ở miền núi có nhiều lợi thế được đánh giá cao, nhưng du lịch Quảng Ngãi dường như vẫn "ngủ yên". Một dự án du lịch được thai nghén trên núi Cà Đam, những cuộc thăm dò, khảo sát quy mô lớn và tỉnh đã có những đầu tư bước đầu, nhưng rồi nhà đầu tư ngoảnh mặt. Một vấn đề khác là, những năm qua, Quảng Ngãi có phần “chủ quan” khi chạy theo lấp đầy khoảng trống đất, mà thiếu việc kiểm tra “sức khỏe” nhà đầu tư, thiếu tìm hiểu để biết nhà đầu tư có thật sự muốn làm ăn bền vững tại Quảng Ngãi hay không. Rõ ràng, Quảng Ngãi chưa thật sự chủ động tìm nguồn thu khác ngoài lọc dầu”, TS. N.N.N, giảng viên một trường đại học trên địa bàn tỉnh phân tích.
 
Nguyên một lãnh đạo tỉnh cho rằng, việc hụt thu ngân sách và bị động nguồn thu còn cho thấy Quảng Ngãi chưa rõ ràng trong việc xác định mục tiêu mới trong nhiệm kỳ qua. Đơn cử như KKT Dung Quất vẫn quá nhỏ bé so với khát vọng khi thành lập. Tỉnh quy hoạch Dung Quất phát triển công nghiệp nặng là chủ lực thì phải kiên định với định hướng, mục tiêu; không nhập nhèm đối với các nhà đầu tư khác ngoài công nghiệp. Mảng dịch vụ phải được quy hoạch một nơi riêng trong quy hoạch chung. Còn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch thì mãi mãi chúng ta vẫn phụ thuộc nguồn thu.
 
Giải pháp ổn định
 
Phó Chủ tịch Viện hàn lâm kiến trúc Pháp - Việt Lê Văn Lợi nêu quan điểm, đối với tổ hợp đô thị, công nghiệp Dung Quất, nếu tập trung riêng vào dầu là thiếu bền vững và nền kinh tế Quảng Ngãi sẽ đi vào ngõ cụt. Muốn Dung Quất phát triển lâu dài thì phải đưa Dung Quất phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu không thay đổi, điều đáng lo là các doanh nghiệp sẽ dời từ Dung Quất vào Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), vì Vũng Tàu có lợi thế hơn. 
Dự án Khu du lịch Thiên Đàng được doanh nghiệp đầu tư rất sớm, nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả.
Dự án Khu du lịch Thiên Đàng được doanh nghiệp đầu tư rất sớm, nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả.
Dẫn chứng điều này, ông Lợi đưa ra ví dụ về TP.Marseille (Pháp), cách đây 40 năm, nơi đây có một khu công nghiệp phát triển sầm uất và là nguồn thu ngân sách chính của thành phố, nhưng chính quyền đã “say trong chiến thắng” mà không đổi mới, không tìm cách phát triển được các nguồn thu lớn khác, dẫn đến tụt hậu. Hơn 5 năm qua, giới chức thành phố này phải tìm cách đa dạng hóa các lĩnh vực thu hút đầu tư, để có động lực phát triển.
 
“Quan trọng nhất vẫn là con người, phải có chuyên gia có trình độ từ nước ngoài, nhưng cũng cần phải đào tạo người Việt để tiếp nhận công việc khi các chuyên gia rời đi, nhất là nhân lực có trình độ cao cho lĩnh vực công nghiệp. Nếu làm tốt thì các ngành nghề đang có sẽ lôi kéo các ngành nghề khác từ các tập đoàn lớn tìm đến Dung Quất”, ông Lợi góp ý.
 
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, TS.Phạm Đức Tùng cho rằng, sự phụ thuộc nguồn thu vào lọc dầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Quảng Ngãi một khi nền kinh tế thế giới suy thoái. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng năng lượng sạch đang là xu hướng chung, nên dự báo tới đây ngành dầu khí sẽ phát triển chậm lại. Do đó, Quảng Ngãi không nên phụ thuộc phát triển kinh tế vào một ngành, mà phải xác định mục tiêu phát triển hài hòa 3 ngành: Công nghiệp - nông nghiệp và dịch vụ. Riêng công nghiệp dầu khí cần đa dạng các sản phẩm. Đồng thời, phát huy lợi thế kinh tế biển. Việc phát triển toàn diện ở nhiều lĩnh vực sẽ kích cầu đầu tư, tạo thêm việc làm, nhằm thu hút lực lượng lao động từ các nơi khác đến. Có như vậy mới tạo sinh kế bền vững và thay đổi cán cân nguồn thu.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách những năm qua phụ thuộc quá lớn vào NMLD Dung Quất là nguyên nhân dẫn đến tỉnh không chủ động trong điều hành tài chính, ngân sách và định hình chương trình phát triển. Một bất cập khác là khi vượt thu thì trung ương thu, nhưng hụt thu thì chậm bù. 
Cảng biển nước sâu ở KKT Dung Quất.                  Ảnh: T.L
Cảng biển nước sâu ở KKT Dung Quất. Ảnh: T.L
“Quảng Ngãi là tỉnh thuộc nhóm điều tiết về ngân sách trung ương nên các khoản chi do trung ương bố trí như chính sách an sinh xã hội chỉ 80%, trong khi tỉnh không điều tiết thì Trung ương hỗ trợ 100%. UBND tỉnh sẽ giao các sở, ngành đánh giá lại, nếu bất lợi thì đề nghị trung ương tách nguồn thu từ lọc dầu ra, xem đây không phải là nguồn thu ngân sách của tỉnh, mà đưa vào nguồn thu hộ cho trung ương trên địa bàn”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nói.
Tăng cường các giải pháp thu thuế
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, một vấn đề khác để ổn định nguồn thu ngân sách là, Quảng Ngãi cần triển khai đồng bộ các giải pháp thu thuế, mở rộng cơ sở thu, quản lý chặt các nguồn thu, tăng cường thanh kiểm tra chống thất thu, cương quyết xử lý thu hồi nợ đọng thuế... Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác quản lý thuế; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn tạo thuận lợi để doanh nghiệp, người dân thực thi pháp luật về thuế.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 

 


.