Chủ động chăm sóc vật nuôi trong mùa lạnh

08:01, 11/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, trời trở lạnh kèm theo mưa phùn rét buốt. Dự báo thời gian tới, không khí lạnh tăng cường sẽ liên tục gây ra những đợt lạnh kéo dài. Do đó, nông dân đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ vật nuôi trong những ngày lạnh giá.
 
Theo dõi thời tiết để chăm sóc vật nuôi
 
Theo kế hoạch, năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh khoảng 1.850ha (diện tích cộng dồn 3 vụ) và 50.000m3 lồng nuôi trên biển, với tổng sản lượng ước đạt khoảng 7.310 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết đã làm cho người nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn. Thời điểm này đang bước vào mùa lạnh nên người nuôi cá, tôm đang tập trung chăm sóc, đảm bảo an toàn cho vật nuôi. 
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, những ngày lạnh giá, người dân không nên chăn thả trâu bò ngoài đồng.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, những ngày lạnh giá, người dân không nên chăn thả trâu bò ngoài đồng.
Đang nuôi cá lồng ở hồ Liệt Sơn, anh Lê Văn Trung, ở phường Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) luôn theo dõi tình hình thời tiết để chủ động bảo vệ hơn chục lồng cá. Anh Trung chia sẻ: Nếu xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài mà mình không chủ động phòng, chống kịp thời, cá nuôi có thể chết hàng loạt. Do đó, tôi phân loại kích cỡ con giống trước khi thả nuôi để hạn chế việc kéo lồng kiểm tra cá, nhằm tránh nhiễm bệnh cho cá. Tôi phải chăm sóc cá thật kỹ lưỡng để có bán dịp Tết.
 
Sau khi thu hoạch 4 hồ tôm thẻ chân trắng hồi cuối tháng 10 để tránh bão, ông Trần Bé, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ) đã tranh thủ thả nuôi lại vụ tôm mới để bán trong dịp Tết. “Để bảo vệ tôm nuôi trong thời tiết có không khí lạnh tăng cường, quan trọng là giữ ổn định mực nước và độ mặn trong ao nuôi, chạy máy sục khí, máy ô xy đáy ao 24/24 giờ để đảo nước. Phải theo dõi tôm thường xuyên để cho ăn phù hợp theo liều lượng ứng với kích cỡ tôm, bổ sung thêm chất khoáng, vitamin C cho tôm ăn nhằm tăng sức đề kháng”, ông Bé chia sẻ.
 
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành thủy sản khuyến cáo người nuôi không nên thả giống sớm vì ảnh hưởng xấu của môi trường. Đặc biệt khi nhiệt độ nước xuống thấp từ 18 - 20 độ C, con giống rất dễ bị tác động xấu bởi thời tiết bất lợi...
 
Dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông
 
Mùa đông, nhiệt độ ở các vùng miền núi thường xuống thấp và cái lạnh cũng khó chịu hơn. Những năm gần đây, người dân ở các huyện miền núi trong tỉnh đã có nhiều thay đổi tập quán chăn nuôi, không thả rông trâu bò. Nhiều hộ đã dành phần đất để trồng cỏ và tận dụng rơm rạ làm thức ăn cho gia súc vào mùa mưa.
 
Tuy nhiên, do đa số người dân miền núi đều làm chuồng trại ở trên núi cao, cách xa nhà ở nên không kiểm soát, chăm sóc vật nuôi được thường xuyên; vẫn còn một số hộ do không chủ động về thức ăn, còn chủ quan, nhất là thời điểm gia súc bước vào giai đoạn sinh sản, dẫn đến trâu bò bị chết.
 
Theo dự báo, những ngày tới sẽ còn có nhiều đợt không khí lạnh tràn về gây rét. Do đó, người chăn nuôi trong tỉnh, đặc biệt vùng núi cần thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn; chế biến thức ăn ủ chua; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Chuẩn bị thức ăn tinh như bột bắp, cám gạo, khoáng, vitamin để cung cấp đủ cho gia súc trong những ngày giá rét...
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ khuyến cáo: Những ngày nhiệt độ xuống thấp, người chăn nuôi không nên chăn thả trâu bò ra ngoài, mà nên nhốt trong chuồng trại được che chắn gió cẩn thận, tránh gió lùa, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm. Đồng thời phải tăng cường vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin đầy đủ cho vật nuôi...
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.