Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu: Còn nhiều thách thức

10:12, 09/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giai đoạn 2020 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 48 xã đạt xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu và 1 huyện NTM nâng cao, hoặc kiểu mẫu... Để đạt mục tiêu này, chính quyền các địa phương cần tháo gỡ những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
[links()]
Đến nay, hạ tầng và chất lượng cuộc sống của người dân ở 18/79 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2018 - 2020 thay đổi rõ rệt. Đó là, đường làng ngõ xóm, tường rào cổng ngõ sạch đẹp; nhiều tuyến đường hoa và hệ thống điện chiếu sáng về đêm; sân vườn nhà dân được chỉnh trang, cải tạo theo hướng xanh, sạch, đẹp...  
Chưa quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân khiến sản xuất bấp bênh, thu nhập của người dân không ổn định.
Chưa quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân khiến sản xuất bấp bênh, thu nhập của người dân không ổn định.
Tuy nhiên, rào cản hiện nay là chất lượng một số tiêu chí như: Quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm... còn thấp. Chính vì vậy, tuy đạt NTM nhưng nhiều xã vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất nông nghiệp; các công trình văn hóa xây dựng chưa phát huy hết công năng, nhưng đã hư hỏng, xuống cấp; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát...
 
Đối với tiêu chí môi trường, toàn tỉnh hiện có 99/148 xã (66,9%) hoàn thành tiêu chí NTM, nhưng thiếu bền vững. Đơn cử như việc xử lý chất thải, rác thải. Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn khoảng 700 tấn/ngày, nhưng chỉ có khoảng 34 tấn được thu gom và xử lý; mỗi năm có 600 tấn rác thải từ trồng trọt và 1 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi, nhưng hiện chỉ xử lý được khoảng 60%. Ngoài ra, một lượng lớn nước thải từ sinh hoạt hằng ngày, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh... cũng chưa được xử lý triệt để. Chính vì vậy, các xã NTM hiện đang loay hoay với việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường.
 
Trong khi đó, thu nhập cũng là tiêu chí khiến các xã NTM thấp thỏm lo “rớt” chuẩn, vì nguồn thu khu vực nông thôn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên thiếu bền vững. Bởi việc sản xuất nhỏ lẻ, kiểu “mạnh ai nấy làm”, không theo quy trình kỹ thuật, khiến dịch bệnh bùng phát, năng suất và chất lượng nông sản thấp, không đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn thị trường. 
 
Giám đốc Dự án phát triển HTX Việt Nam Võ Thị Kim Sa cho rằng: “Phải giúp nông dân thay đổi mạnh mẽ tư duy và phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, HTX để “bắt tay” với doanh nghiệp”.
 
Tuy nhiên, để tổ hợp tác, HTX trở thành “bà đỡ” của nông dân (hiện chỉ có 76/201 HTX đạt khá, tốt), thì các HTX phải xác định đặc thù sản xuất và ưu thế sản phẩm của địa phương, trở thành đầu mối cung cấp thông tin thị trường, tư vấn và định hướng cho nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường... Tiến tới là đơn vị cung cấp dịch vụ thu hoạch, nhà kho, bảo quản, vận chuyển; thậm chí kết nối với các doanh nghiệp tổ chức sơ chế, chế biến sản phẩm của nông dân...
 
Xây dựng xã NTM kiểu mẫu, nâng cao nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần người dân, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Do đó, bên cạnh sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân; sự năng động, sáng tạo trong việc huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư thì cần sự quyết liệt hơn nữa của chính quyền các cấp trong việc tháo gỡ những khó khăn, bất cập.
 
Bàn giải pháp cho giai đoạn 2020 – 2025
 
Ngày 4.12, Sở NN&PTNT phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tổ chức Hội thảo Định hướng và giải pháp xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh, nhằm làm rõ những thành công, hạn chế trong 10 năm xây dựng NTM (2010 - 2020) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kiến nghị và đề xuất những giải pháp trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025. 
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 

.