Nỗ lực kết nối sản phẩm OCOP với thị trường

09:12, 30/12/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn cần có nguồn lực hỗ trợ để các sản phẩm này có thể tiến xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
[links()]
 
Chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm
 
Sản phẩm mực, cá khô được sản xuất tại làng nghề chế biến hải sản Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu cấp cơ sở. Đây là những sản phẩm truyền thống nổi tiếng về chất lượng được hình thành từ năm 1945 đến nay.
 
Làng nghề hiện có 9 cơ sở chế biến hải sản lớn và nhiều cơ sở nhỏ, chuyên cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phía Nam, vùng Tây Nguyên. Làng nghề lâu đời vùng ven biển Sa Huỳnh cũng là nơi giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Sản phẩm của làng nghề chế biến hải sản Phổ Thạnh hiện đang được ưa chuộng trên thị trường
Sản phẩm của làng nghề chế biến hải sản Phổ Thạnh hiện đang được ưa chuộng trên thị trường
Nức tiếng vì chất lượng nên hải sản khô liên tục được thị trường ưa chuộng đặt hàng, cơ sở Hương Trầm của bà Trần Thị Đầy những tháng cao điểm luôn nhộn nhịp không khí lao động. Cơ sở này chủ yếu sản xuất cá, mực tẩm để chở đi tiêu thụ theo đơn hàng trong khắp cả nước. Mỗi năm, cơ sở xuất xưởng khoảng 10 tấn sản phẩm với doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm.
 
“Năm nay bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 nên cơ sở có phần bị chậm lại. Nhưng qua năm mới, tôi đã có kế hoạch vay thêm vốn để cải thiện lại mẫu mã, bao bì cũng như chất lượng để tiến vào các hệ thống siêu thị trong cả nước”- bà Đầy nói về kế hoạch phát triển nghề gắn bó với gia đình đã 10 năm qua.
 
Cũng gắn với nghề truyền thống, bà Lê Thị Mai, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Thanh Mai cho biết, hơn 30 năm hoạt động, mỗi năm các cơ sở sản xuất của bà chế biến khoảng 70 tấn hải sản khô.
 
Riêng trong năm 2020 dù nhiều khó khăn nhưng lần đầu tiên các cơ sở sản xuất của bà vẫn đạt mục tiêu xuất khẩu gần 50 tấn hải sản khô, doanh thu hơn 8 tỷ đồng. “Sản phẩm mình có tiếng lâu nay và lần đầu tiên được xuất khẩu. Nếu như ở làng nghề này được hỗ trợ, giúp xây dựng thương hiệu hay nâng thêm chất lượng, sản xuất chuyên nghiệp hơn nữa thì doanh thu lẫn hợp đồng xuất khẩu sẽ nhiều hơn, giá trị sản phẩm cũng cao hơn”- bà Mai thổ lộ.
 
Cần nguồn lực để kết nối với thị trường
 
Ngoài những sản phẩm đã có đầu ra ổn định, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có kế hoạch dài hơi để giới thiệu ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm OCOP. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại TP.Quảng Ngãi, Bình Sơn và Mộ Đức. Nhiều sản phẩm được lên kệ của hệ thống siêu thị lớn như nông sản ở Sơn Hà.
 
Để mở rộng thị trường cho nhiều sản phẩm hơn nữa, thời gian qua, các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP đã xúc tiến bán hàng qua kênh online và tìm kiếm các nhà phân phối có uy tín. Ngoài việc lên kế hoạch cung cấp dồi dào nguồn hàng cho các điểm bán hàng với hơn 140 sản phẩm tiêu biểu, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ OCOP Quảng Ngãi đang xúc tiến việc xây dựng, chỉnh sửa Website để giới thiệu và kinh doanh online. Thông qua đó sẽ kết nối với những công ty, tập đoàn lớn có khả năng đưa hàng hóa của hợp tác xã ra toàn quốc cũng như các quốc gia khác.
Các sản phẩm OCOP đang cần nguồn lực hỗ trợ để có thể tiến xa trên thị trường trong và ngoài nước
Các sản phẩm OCOP đang cần nguồn lực hỗ trợ để có thể tiến xa trên thị trường trong và ngoài nước
“Hiện nay chúng tôi đang cố gắng kết nối với nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch. Trong quá trình tổ chức các tour du lịch thì sẽ lồng các điểm bán hàng, sản xuất các sản phẩm nông sản chuẩn OCOP là một điểm đến trong hành trình du lịch. Bằng cách này, nhiều sản phẩm sẽ đến được với nhiều người hơn, không chỉ trong tỉnh mà còn trong nước và cả khách nước ngoài”- anh Nguyễn Công- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ OCOP Quảng Ngãi cho biết.
 
Chất lượng, mang nét đặc trưng vùng miền và giá cả phải chăng, các sản phẩm này ngày càng “được lòng” người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường của các sản phẩm OCOP vẫn còn khá hạn hẹp. Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Dương cho rằng: Cần phải tiếp sức nhiều hơn nữa để ngày càng có nhiều người tiêu dùng tiếp cận và mua sản phẩm OCOP. Sắp tới, Chi cục sẽ làm việc với một đơn vị ở TP.HCM để bàn việc phối hợp hình thành mạng lưới điểm bán hàng OCOP. Họ hỗ trợ những điểm bán hàng tại tỉnh và ở những thành phố lớn để đưa sản phẩm ra thị trường. Để làm những việc đó thì phải có chính sách hỗ trợ.”
             
Để sản phẩm ra được thị trường thì phải nâng cao chất lượng, phải có mẫu mã sản phẩm hàng hóa và chỉ dẫn địa lý. Chi cục Phát triển nông thôn đang tham mưu tỉnh, sắp tới sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cho những chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng.
 
Bài, ảnh: PV

 


.