(Báo Quảng Ngãi)- Tín dụng xanh đã và đang là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu, cũng là định hướng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra cho các ngân hàng những năm gần đây. Nằm trong xu hướng này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng dành nguồn vốn đáng kể cho tín dụng xanh, với nhiều chương trình cho vay ưu đãi, hỗ trợ khách hàng.
Ưu tiên vốn cho các dự án điện năng lượng mặt trời
Với số giờ nắng trung bình trong năm khá lớn, bức xạ mặt trời cao, Quảng Ngãi được xem là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng trong phát triển điện áp mái. Từ những lợi thế trên, khoảng hai năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân đã tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Nhu cầu đầu tư điện năng lượng mặt trời, điện áp mái trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. |
Bên cạnh HDBank, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh cũng đang dành nguồn vốn cho vay lĩnh vực này. Theo Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh, thời gian qua, chi nhánh cũng đã dịch chuyển cơ cấu dư nợ tín dụng, ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Tại Vietcombank Quảng Ngãi, có nhiều gói vay tín dụng xanh ưu đãi dành cho khách hàng, nhất là các dự án điện năng lượng mặt trời.
Cần đáp ứng các tiêu chí
Trên thực tế, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch, nhằm hướng đến mục tiêu kép là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2014 - 2020, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, dư nợ cho vay đối với hoạt động tín dụng xanh trong thời gian qua là chưa nhiều; đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Giám đốc một DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Mộ Đức cho rằng, để các DN có thể theo đuổi hướng đi sản xuất xanh, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn này vẫn không dễ tiếp cận bởi những quy định ràng buộc và các tiêu chí khắt khe.
Về vấn đề này, đại diện nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng thẳng thắn thừa nhận, dù đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh với giá ưu đãi, song không phải dự án nào có yếu tố “xanh” cũng được cấp tín dụng, các ngân hàng cũng có những tiêu chí nhất định. Theo đó, đối với DN, các dự án phải chứng minh được tính hiệu quả, minh bạch thông tin, kinh doanh có lợi nhuận, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ “xanh” tối thiểu một năm, đặc biệt phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Đối với cá nhân, phải chứng minh được năng lực tài chính, có hồ sơ “sạch”, không có nợ xấu tại ngân hàng.
Bài, ảnh: HỒNG HOA