Ứng dụng cơ giới hóa: Thiếu đồng bộ

09:12, 29/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tuy đã được ngành chuyên môn, các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư, áp dụng, nhưng việc đưa cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
[links()]
Trong trồng trọt, tỷ lệ CGH khâu làm đất đạt khoảng 95%; thu hoạch 80%; chăm sóc (bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật) khoảng 46%... Việc sử dụng CGH trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đều ở mức thấp và chủ yếu là máy bán tự động. Việc sử dụng CGH thấp ở một số khâu sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, nên hiệu quả kinh tế không cao. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa đầu tư CGH theo hướng khép kín và đồng bộ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, mà còn tác động tiêu cực tới môi trường... 
 
Cơ giới hoá mới sử dụng nhiều ở khâu làm đất và thu hoạch lúa, chưa chú trọng khâu sau thu hoạch.
Cơ giới hoá mới sử dụng nhiều ở khâu làm đất và thu hoạch lúa, chưa chú trọng khâu sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, áp dụng CGH chủ yếu trên diện tích sản xuất lúa, mía và mì, chưa chú trọng ở đối tượng cây ăn quả (1.500ha) và rau đậu (17.820 ha). Như tại xã Nghĩa Dũng, “vựa” rau của TP.Quảng Ngãi, hầu như người dân đều làm thủ công, rất ít hộ sử dụng máy móc. Theo hạch toán của bà Trần Thị Vệ, xã Nghĩa Dũng: Nếu làm đất thủ công, chi phí thuê lao động 200.000 đồng/ngày/sào, trong khi máy móc chỉ tốn 20.000 - 25.000 đồng tiền nhiên liệu và thời gian thực hiện chỉ 2 - 3 giờ. Hơn nữa, máy làm đất đảm bảo độ sâu và đồng đều, nên hiệu quả sản xuất cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, không có nhiều hộ sử dụng máy làm đất như bà Vệ, vì cho rằng sản xuất rau, cây ăn quả quy mô nông hộ, chủ yếu phục vụ gia đình, nên làm thủ công, kiểu “lấy công làm lời”.
 
Tại xã Đức Phú (Mộ Đức), thủ phủ trồng bắp, mè, thì phần lớn người dân sử dụng máy để cày và xới đất, chưa áp dụng đối với các khâu tạo luống, vét rãnh, bón phân và phun thuốc... “Biết là dùng máy sẽ hiệu quả hơn, nhưng chỉ có 3 - 4 sào đất, mà đầu tư một cái máy thì quá lãng phí”, ông Nguyễn Bảy, ở thôn Phước Thuận (Đức Phú) lý giải.
 
Theo tính toán của ngành chuyên môn, áp dụng CGH giúp tăng 10 - 15% năng suất cây trồng, vật nuôi; giảm 15 - 20% chi phí sản xuất và 2 - 3% tổn thất sau thu hoạch... Song, để hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp hàng hóa, cần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình ứng dụng CGH. Trước hết, các địa phương cần quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, gắn với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân liên kết đầu tư và sử dụng máy móc để giảm chi phí và tăng công năng sử dụng.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.