Cây cao su không còn "đất sống" ở Bình Sơn

09:12, 09/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vào những năm 1990, cây cao su được trồng ở một số xã trên địa bàn huyện Bình Sơn, với mong muốn nâng cao thu nhập cho người dân. Đến kỳ khai thác, một trận bão trong năm 2009 đã khiến vùng trồng cao su thiệt hại nặng, nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Sau đó, cây trồng này được "tái đầu tư", với niềm hy vọng mới. Nhưng rồi, khi cây vừa bắt đầu cho mủ, thì bão số 9 vừa qua đã xóa sổ toàn bộ diện tích cây cao su.
[links()]
Trắng tay sau 20 năm
 
Gần 20 năm trước, với hy vọng có được khu vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên khi dự án trồng cây cao su trên đất Bình Khương (Bình Sơn) được triển khai, ông Nguyễn Liểu, ở thôn Phước An đã dành 10 sào đất để trồng cao su tiểu điền. Sau nhiều tháng ngày chăm sóc, ngày cây cho mủ cũng đến, nhưng một trận bão trong năm 2009 đã quét qua làm vườn cây ngã đổ. Không nỡ bỏ dở giữa chừng, gia đình ông Liểu tiếp tục vay mượn vốn để tái đầu tư.
 
Năm 2019, cây bắt đầu cho mủ, đem lại nguồn thu nhập đầu tiên cho gia đình. Thế nhưng,  bão số 9 vừa qua đã quật ngã đổ hoàn toàn diện tích cao su của gia đình ông. Không còn niềm tin vào cây cao su nữa, ông Liểu đã nhanh chóng cắt gỗ bán cho thương lái để vớt vát lại tiền vốn và công chăm sóc. 
 
Từng được kỳ vọng là
Từng được kỳ vọng là "vàng trắng", nhưng sau 20 năm, cây cao su chỉ mang lại nợ nần cho người dân.
 
Ông Liễu chia sẻ: “Tôi đã đầu tư trên 32 triệu đồng, nhưng sau 10 năm thu lại chưa bằng nguồn vốn đã bỏ ra. Hiện tôi đã cắt bán hết số cây bị ngã đổ và chuẩn bị dọn thực bì để trồng cây keo”.
 
Đối với những hộ giao đất cho công ty làm cao su đại điền hiện cũng gặp không ít khó khăn. Ông Võ Văn Nhẫn, ở xã Bình Minh (Bình Sơn) cho biết: Cách đây 20 năm, nghe nói cao su là cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, tôi giao đất cho doanh nghiệp trồng. Ai ngờ, từ sau đợt bão 2009, công ty chẳng đầu tư gì, bỏ như rừng hoang, nên cây cho mủ rất ít. Trong khi đó, giá cao su nhiều năm liền ở mức quá thấp, người dân cũng chẳng buồn thu hoạch. Giờ bị bão cây ngã đổ lần nữa, coi như mất sạch luôn rồi.
 
Cao su là loại cây dễ ngã đổ. Vì vậy, sau bão số 9, hàng trăm hécta trồng cao su ở huyện Bình Sơn đã bị xóa sổ, khiến người nông dân gắn bó 20 năm qua với cây cao su rơi vào cảnh trắng tay.
 
Cần giao lại đất cho dân
 
Sau nhiều lần bị thiệt hại nặng nề, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi sẽ không tái đầu tư để tiếp tục trồng cây cao su. Điều này đồng nghĩa với việc dự án cây cao su sau 20 năm trồng ở huyện Bình Sơn sẽ bị phá sản, khiến hàng trăm công nhân sẽ mất việc làm... Loại cây công nghiệp được ví như “vàng trắng” một thời, cuối cùng cũng không thể giúp người dân đổi đời. 
 
Bão số 9 vừa qua đã làm ngã đổ hoàn toàn diện tích trồng cây cao su ở huyện Bình Sơn.
Bão số 9 vừa qua đã làm ngã đổ hoàn toàn diện tích trồng cây cao su ở huyện Bình Sơn.
 
Từ tháng 11.2017, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo: Đối với diện tích 360ha ở 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên mà Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi không còn nhu cầu sử dụng, thì tiến hành khai thác tận thu số cây cao su và giao đất lại cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay việc giao lại đất vẫn chưa được thực hiện triệt để, khiến việc tranh chấp đất thời gian qua vẫn diễn ra.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương Nguyễn Đức Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn xã còn khoảng 50ha cao su đại điền. Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi cũng đã họp dân và đề xuất phương án, Công ty sẽ bán lại cây cao su cho người dân để tận thu hoặc tiếp tục khai thác. Tuy nhiên, có một số hộ dân đồng ý mua lại, một số hộ không đồng ý, nhưng lại tự ý khai thác... Qua đợt bão số 9 lần này, nếu Công ty không đầu tư và quản lý thì phải giao đất lại cho người dân sản xuất.
 
Trong khi đó, tại xã Bình Minh, hiện còn khoảng 60ha cao su đại điền và hơn 100ha cao su tiểu điền do người dân trồng và khai thác, nhưng cũng đã bị ngã đổ sau bão số 9 vừa qua. Theo lãnh đạo UBND xã Bình Minh, nếu Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi không đầu tư nữa, thì cần nhanh chóng tận thu và giao đất lại cho địa phương, để giao cho người dân, tránh tình trạng lãng phí đất.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.