(Báo Quảng Ngãi)- Hồ sơ đăng ký sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg, ngày 21.8.2019 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ thể OCOP (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất...) chuẩn bị rất nhiều nội dung liên quan đến sản phẩm. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân khi đăng ký sản phẩm OCOP đã gặp một số vướng mắc, lúng túng ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ.
[links()]
Gặp khó vì hồ sơ
Theo Quyết định 1048/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm, hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện phải bao gồm 18 nội dung. Trong đó, các nội dung liên quan đến phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm; phương án, kế hoạch kinh doanh sản phẩm; giới thiệu bộ máy tổ chức thì có biểu mẫu kèm theo.
Còn các nội dung liên quan đến câu chuyện về sản phẩm, mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm... thì từng chủ thể OCOP phải tự thực hiện và hoàn thiện theo đặc thù của từng sản phẩm đăng ký.
Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm của tổ chức, cá nhân sẽ được bày bán tại chuỗi cửa hàng OCOP của tỉnh. Ảnh: PV |
“Hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP yêu cầu nhiều nội dung tại tất cả các khía cạnh từ tài chính, xúc tiến thương mại, môi trường, nhận diện thương hiệu... Ở mỗi nội dung, lại bao gồm các nội dung nhỏ thành phần rất chi tiết, cụ thể, nhất là các biểu mẫu về phương án, kế hoạch kinh doanh sản phẩm; ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm... Vì vậy, tôi đã phải nhờ đến đơn vị tư vấn mới hoàn thiện được bộ hồ sơ dài hơn 300 trang đăng ký OCOP cho sản phẩm nước mắm Mười Quý”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Mười Quý Đào Trọng Mười cho hay.
Quy trình xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP bao gồm nhiều nội dung, giấy tờ pháp lý liên quan. Do vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nhất là chủ hộ sản xuất chưa mặn mà với việc đăng ký sản phẩm OCOP.
Theo chia sẻ của một chủ hộ kinh doanh chả cá Lý Sơn, để hoàn thiện hồ sơ OCOP, chủ cơ sở phải thực hiện công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm. Đồng thời, phải căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để thu thập đầy đủ các giấy tờ liên quan. Trong khi đó, từ trước đến nay, chủ cơ sở chủ yếu bán sản phẩm theo kiểu hàng làm đến đâu, thương lái mua đến đó, lại không am hiểu cách viết câu chuyện về sản phẩm, về kế hoạch, ý tưởng phát triển sản phẩm. Vì vậy, dù biết được công nhận sản phẩm OCOP sẽ được nhiều quyền lợi, nhưng chủ cơ sở vẫn e ngại, không tham gia đăng ký hồ sơ.
Đẩy mạnh hỗ trợ người dân
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ngô Văn Hưng cho biết: “Hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP là hồ sơ mang tính tổng hợp, đòi hỏi chủ OCOP phải hoàn thành đầy đủ các biểu mẫu, giấy tờ, từ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, tài liệu chứng minh tiêu chuẩn sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, liên kết chuỗi... cho đến những thuyết minh liên quan đến ý tưởng kinh doanh, câu chuyện về sản phẩm OCOP. Do vậy, nhiều tổ chức, cá nhân, dù có sản phẩm đáp ứng điều kiện tham gia chương trình OCOP, nhưng vẫn e ngại chưa tham gia”.
Theo ông Hưng, để tạo điều kiện cho người dân hoàn thành hồ sơ đăng ký, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị trực thuộc triển khai hướng dẫn các chủ thể OCOP trên địa bàn thực hiện các bước của chu trình OCOP đúng với yêu cầu và hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Mặt khác, phải phát huy vai trò của người đứng đầu trong quan tâm, hỗ trợ người dân đăng ký hồ sơ OCOP. Bởi trên thực tế, dù từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã có kế hoạch, đề án phát triển sản phẩm OCOP và thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP. Song đến nay, mới chỉ có 8/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh thực hiện việc đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện.
ĐÔNG YÊN