Giúp các hợp tác xã giải "bài toán" kiện toàn năng lực

04:11, 23/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định tại Nghị định 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 67), trong 3 năm (1.7.2018 - 1.7.2021), các tổ chức thủy lợi cơ sở phải hoàn thành việc củng cố, kiện toàn năng lực thì mới được tiếp tục quản lý, khai thác các hồ chứa nước đã được phân cấp. Song, đến nay đã qua 2/3 thời gian, nhưng hầu hết các hợp tác xã (HTX) đang đảm nhận quản lý, khai thác hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều không tìm được giải pháp để bảo đảm năng lực theo quy định.
[links()]
Nhằm đảm bảo các công trình thủy lợi phát huy cao hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế khác, NĐ 67 đã đưa ra nhiều yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với các tổ chức, cá nhân đang khai thác đập, hồ chứa nước.  
Hồ chứa nước Lỗ Thùng, ở xã Đức Phú (Mộ Đức) đang được quản lý, vận hành bởi HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Hòa (Đức Phú) nhưng HTX chưa có cán bộ có bằng cao đẳng chuyên ngành thủy lợi.
Hồ chứa nước Lỗ Thùng, ở xã Đức Phú (Mộ Đức) đang được quản lý, vận hành bởi HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Hòa (Đức Phú) nhưng HTX chưa có cán bộ có bằng cao đẳng chuyên ngành thủy lợi.
Theo đó, các hồ chứa có dung tích lớn phải có từ 2 - 5 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi quản lý, vận hành; hồ chứa có dung tích từ 1 triệu đến dưới 3 triệu m3 thì phải có 1 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, 1 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi quản lý, vận hành; hồ chứa nước vừa có dung tích từ 500.000m3 đến dưới 1 triệu mét khối thì phải có 1 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi. Các đập, hồ chứa nước nhỏ cũng tùy theo dung tích mà yêu cầu cán bộ có trình độ tối thiểu từ trung cấp thủy lợi trở lên, hoặc công nhân chuyên ngành điện bậc 4 trở lên... đảm nhận việc khai thác công trình thủy lợi. 
 
Căn cứ theo NĐ 67, Sở NN&PTNT đã tổ chức rà soát các hồ chứa nước có dung tích từ 50.000m3 trở lên mà tỉnh đã phân cấp cho UBND huyện quản lý và có báo cáo: Các tổ chức thủy lợi tại cơ sở (chủ yếu là HTX nông nghiệp) đang cần bổ sung tổng cộng 2 kỹ sư thủy lợi, 16 cán bộ có bằng cao đẳng chuyên ngành thủy lợi, 50 cán bộ có bằng trung cấp thủy lợi, THPT/công nhân bậc 2 là 18 người. Đồng thời, những cán bộ này phải có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập mới đủ năng lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi. Việc kiện toàn này phải được thực hiện đến hết ngày 1.7.2021. Sau mốc thời gian này, địa phương nào không hoàn thành, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất UBND tỉnh giao các đập, hồ chứa nước thủy lợi đang quản lý cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi.
 
Lộ trình kiện toàn năng lực chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa là kết thúc, nhưng đến nay, 153 HTX nông nghiệp, 35 tổ hợp tác hiện đang được UBND các huyện, thị xã giao quản lý, vận hành các đập, hồ chứa nước đều chưa thực hiện được việc củng cố, kiện toàn năng lực theo yêu cầu tại NĐ 67. Theo chia sẻ của nhiều HTX, do tình hình hoạt động của HTX khá cầm chừng, “thu không đủ chi”, nên để thu hút được nhân lực có trình độ kỹ sư, cao đẳng, trung cấp thủy lợi về HTX là một vấn đề khá nan giải.
 
Chưa giải được “bài toán” khó này, khiến các HTX đang “đứng ngồi không yên”. Bởi lẽ, nguồn thu chính của hầu hết các HTX nông nghiệp đều phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Do đó, nếu bị “truất” quyền quản lý, khai thác công trình thủy lợi, hoạt động của các HTX nông nghiệp này sẽ càng rơi vào tình cảnh khó khăn. Vì vậy, các HTX đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương cũng như Liên minh HTX tỉnh để có thể giải "bài toán" nhân lực và kiện toàn được năng lực trước mốc thời gian 1.7.2021.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.