Sớm khôi phục rừng phòng hộ ven biển

10:11, 21/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi, làm 60% diện tích rừng dương ven biển của tỉnh bị gãy đổ. Trước thực trạng trên, ngành chức năng cùng các địa phương cần sớm có phương án khắc phục và trồng mới để khôi phục “lá chắn xanh” ven biển.
[links()]
Vẫn còn ngổn ngang
 
Đã hơn nửa tháng kể từ ngày bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi gây ngã đổ hơn 900ha rừng dương ven biển, nhưng công tác xử lý, khắc phục diện tích rừng dương bị thiệt hại vẫn còn rất ngổn ngang.
 
Tại khu vực rừng dương ven biển một số xã Đức Minh, Đức Phong (Mộ Đức), phần lớn diện tích cây bị ngã đổ hoàn toàn vẫn còn nguyên, chưa được tổ chức thu gom. Riêng trường hợp những cây bị gãy, đơn vị quản lý rừng vẫn chưa cắt tỉa, dọn vệ sinh cành nhánh để cây sinh trưởng. 
Rừng dương liễu bị ngã đổ trong bão số 9 tại xã Đức Minh (Mộ Đức).
Rừng dương liễu bị ngã đổ trong bão số 9 tại xã Đức Minh (Mộ Đức).
Theo Phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức, địa phương có diện tích rừng dương phòng hộ ven biển bị thiệt hại nặng nhất tỉnh sau bão số 9, với hơn 433ha. Từ sau bão số 9 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện đang phối hợp cùng UBND các xã ven biển tiến hành kiểm tra hiện trường, kiểm đếm diện tích cây ngã đổ hoàn toàn và cây còn khả năng tái sinh. Dự kiến, đến cuối tháng 11.2020, sau khi kiểm tra, thống kê xong mới hướng dẫn các đơn vị quản lý rừng và các xã phương án xử lý cho từng diện tích rừng.
 
Tại TX.Đức Phổ, nơi có khoảng 200ha rừng dương ven biển bị thiệt hại sau bão, trong đó phần lớn cây ngã đổ đều là cây lâu năm. Trước mắt, địa phương sẽ ưu tiên cưa cắt các cây gãy ngang thân để cây tái sinh, sau đó, sẽ tính toán phương án trồng dặm bổ sung. “Toàn xã có 29ha rừng dương bị gãy và ngã đổ hoàn toàn sau bão. Sau khi kiểm tra hiện trường, xác định mức độ thiệt hại và lập hồ sơ thanh lý theo quy định, từ ngày 12.11 đến nay, các chủ rừng đang tiến hành thu gom các cây ngã hoàn toàn, cắt tỉa các cây còn khả năng tái sinh. Riêng việc trồng dặm, địa phương dù đã tính toán phương án trồng ngay trong mùa mưa để đảm bảo cho cây phát triển, nhưng do chưa có kinh phí, nên chưa thể thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.
 
Cần ưu tiên kinh phí
 
Để khắc phục từng bước diện tích rừng dương ven biển bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 9 vừa qua, Sở NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn gửi các địa phương, đối với cây đổ, ngã hoàn toàn thì tiến hành thu gom, dọn vệ sinh cành nhánh; cây bị gãy ngang thân thì dùng cưa cắt đúng kỹ thuật để cây tái sinh chồi, đảm bảo phục hồi chức năng phòng hộ của rừng.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Hân khuyến cáo: “Các địa phương cần phối hợp với tổ chức, cá nhân quản lý rừng thống kê chính xác việc phân loại cây ngã đổ hoàn toàn và cây bị gãy ngang thân. Đồng thời, giám sát việc xử lý, khắc phục. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chặt sát gốc đối với cây gãy ngang thân”. Cũng theo ông Hân, bên cạnh công tác khắc phục tạm thời diện tích rừng dương ven biển bị thiệt hại, việc trồng mới rừng dương phòng hộ ven biển là cấp thiết, cần được triển khai càng sớm càng tốt, bởi rừng ven biển có nhiệm vụ quan trọng trong chắn gió cho khu dân cư ven biển.
 
Tuy nhiên, để có thể sớm trồng dặm rừng vào phần diện tích rừng dương lâu năm bị ngã đổ, cũng như trồng thêm rừng dương khu vực ven biển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho rằng, các địa phương cần được ưu tiên bố trí kinh phí trồng rừng, bởi theo tính toán sơ bộ, kinh phí dự kiến để trồng và chăm sóc rừng dương ven biển theo lộ trình “1 năm trồng, 3 năm chăm sóc” lên đến 150 - 200 triệu đồng/ha. Hơn nữa, việc trồng và chăm sóc rừng dương ven biển còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, đất đai, nguồn nước...
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.