Trà Bồng: Giảm nghèo từ nguồn vốn chính sách

09:11, 25/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai ở huyện Trà Bồng đã giúp cho người dân nơi đây có cơ hội phát triển kinh tế, đồng thời thay đổi cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
[links()]
“Đổi đời” từ nguồn vốn chính sách
 
Bên cạnh các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình khác cũng được lồng ghép, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội như nguồn vốn cho vay của ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), hỗ trợ vay vốn về nhà ở, chính sách giáo dục, giải quyết việc làm... đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo trên địa bàn huyện Trà Bồng. 
Anh Hồ Văn Tròn xã Trà Hiệp (Trà Bồng) khai thác quế, một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình.                   ảnh: pv
Anh Hồ Văn Tròn xã Trà Hiệp (Trà Bồng) khai thác quế, một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Ảnh: PV
Như gia đình anh Hồ Văn Tròn, ở thôn Nguyên, xã Trà Hiệp, năm 2015 vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng để đầu tư trồng keo và quế. Sau gần 4 năm, anh Tròn thu hoạch lứa keo đầu tiên thu lãi 30 triệu đồng. Nhờ có số tiền này anh đã sửa lại căn nhà kiên cố hơn. Đến cuối năm 2019, anh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo để đầu tư trồng thêm gần 10 nghìn cây keo và 3 nghìn cây quế. “Khoảng 2 năm nữa, sau khi thu hoạch xong lứa keo này và khai thác những vườn quế trồng gần 10 năm trước tôi sẽ có đủ tiền trả hết tiền vay ngân hàng và còn dư ít tiền để chăm lo cho gia đình, đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế”, anh Tròn hồ hởi cho biết.
 
Còn hộ ông Hồ Văn Truyện, ở thôn Bắc, xã Trà Sơn, cũng là một hộ gia đình làm ăn khá trong thôn. Năm 2015, ông Truyện vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để mua bò về nuôi và mua thêm cây keo giống, quế giống để trồng. Nhờ chăn nuôi bò thuận lợi, những năm trước đàn bò của ông có lúc lên đến gần chục con. Từ tiền bán bò, bán keo, gia đình ông Truyện đã cất được nhà mới, có tiền cho con đi học, sắm sửa các đồ dùng trong gia đình như xe máy, tủ lạnh... Hiện nay, ông Truyện đang còn 2 con bò lai, vườn quế và vườn keo trên 10 nghìn cây. Hằng năm, ông thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ cây trồng và vật nuôi.
 
Đến nay, qua thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trà Bồng đã giảm từ 58,95% năm 2015 xuống còn 31,75% năm 2020.
 
Tăng cường nguồn vốn ưu đãi
 
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng Huỳnh Huy cho hay: Đối với nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, năm 2020, ngân hàng đã giải ngân 5 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch tỉnh giao, nâng tổng dư nợ cho vay đối với hộ nghèo trên địa bàn huyện đạt 97,8 tỷ đồng, với 3.261 hộ vay vốn.
 
Ngoài ra, năm 2020, huyện Trà Bồng được phân bổ 5 tỷ đồng để hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 2085, ngày 31.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020”.  Khi vay theo chương trình này, các hộ hưởng ưu đãi lãi suất 3,3% (chỉ bằng một nửa lãi cho vay hộ nghèo - PV), thời hạn cho vay tối đa là 10 năm, với hạn mức vay tối đa là 100 triệu đồng.
 
Những năm trước, việc giải ngân nguồn vốn này ở Trà Bồng gặp khó, tỷ lệ không cao do vướng quy định ràng buộc và đặc biệt là khâu bình xét đối tượng thuộc diện thụ hưởng. Nhiều hộ đủ điều kiện thụ hưởng thì không có nhu cầu vay vốn. Năm nay, huyện thay đổi bằng cách phân vốn về cho các xã để bình xét hộ có nhu cầu vay vốn để thực hiện giải ngân, nên việc xét chọn đối tượng nhanh hơn, số hộ có nhu cầu vay vốn cao hơn. Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng đã lên kế hoạch và tích cực triển khai giải ngân 100% nguồn vốn cho người dân ở 15 xã trên địa bàn huyện ngay trong tháng 7.2020.
 
Ông Huy cho biết thêm: Thời gian đến, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Trà Bồng sẽ tập trung đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Đặc biệt là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số để đầu tư phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 và cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân bị thiệt hại do bão số 9, nhằm khôi phục sản xuất, tái đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác xem xét, xử lý những rủi ro do nguyên nhân khách quan theo phương án là gia hạn nợ, khoanh nợ từ 3 - 5 năm đối với những khoản vay bị thiệt hại từ 40 - 100%, để hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo.
 
YẾN PHƯƠNG
 
 
 

.