(Báo Quảng Ngãi)- Liên tiếp những trận bão, lũ đi qua, đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân Quảng Ngãi. Nhiều người vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, nhưng chưa kịp thoát nghèo, nay lại rơi vào cảnh trắng tay. Vì vậy, người dân hiện đang rất cần các chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất và tiếp cận nguồn vốn mới để tái sản xuất, vượt qua khó khăn.
[links()]
Nợ nần sau bão, lũ
Cơn bão số 9 vừa qua đã tàn phá hàng nghìn ngôi nhà, hàng trăm hécta rừng trồng và nhiều loại cây trồng khác, khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.
Cơn bão số 9 vừa qua đã làm vườn keo của ông Huỳnh Hữu Tài, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) ngã đổ, gây thiệt hại 240 triệu đồng. |
Cách đây hai năm, gia đình ông Huỳnh Hữu Tài, ở thôn Xuân Yên Đông, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Bình Sơn đầu tư làm vườn ươm keo và trồng rừng. Thế nhưng, đợt bão số 9 vừa qua đã làm ngã rạp vườn ươm keo của gia đình, gây thiệt hại gần 240 triệu đồng.
Ông Tài chia sẻ: “Bao nhiêu vốn liếng dành dụm, vay mượn đổ dồn vào vườn ươm, rừng keo mà chỉ qua một trận bão, gia đình tôi trắng tay. Đối với khoản nợ vay, tôi sẽ cố gắng trả lãi hằng tháng. Trong thời gian tới, chỉ mong ngân hàng cho vay thêm vốn để tái đầu tư, sản xuất”.
Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Thanh Hoa, ở tổ dân phố 5, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đã vay của Ngân hàng CSXH huyện 50 triệu đồng từ chương trình dành cho hộ cận nghèo để đầu tư buôn bán nhỏ. Thời gian đầu làm ăn thuận lợi, nên bà Hoa đã trả dần cho ngân hàng được 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, buôn bán ế ẩm, bản thân bà Hoa lại bị mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bão số 9 vừa qua đã cuốn bay mái nhà, khiến gia đình bà Hoa càng thêm khốn khó. Khoản nợ 30 triệu đồng còn lại đã đến hạn, nhưng bà không biết lấy tiền đâu ra mà trả. Trước những khó khăn do thiên tai gây ra, Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn đã thực hiện chính sách gia hạn nợ cho gia đình bà Hoa.
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn Nguyễn Văn Mười cho biết: Đến thời điểm này, Ngân hàng CSXH huyện đã có những thống kê cơ bản về những hộ vay vốn của ngân hàng, để kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ theo chủ trương chung. Theo đó, số dư nợ bị thiệt hại ở huyện Bình Sơn gần 8 tỷ đồng, với 442 món vay. Đối với các trường hợp này, ngân hàng đã đưa ra biện pháp khắc phục, dự kiến là sẽ đề nghị khoanh nợ 192 món vay, với số tiền gần 3,5 tỷ đồng; cho vay bổ sung 250 món, với số tiền 4,5 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng CSXH khẩn trương rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất sau mưa lũ... |
Cần hỗ trợ kịp thời
Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường, chính sách gia hạn nợ, khoanh nợ luôn được Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện trong quá trình cho vay. Vì vậy, ngân hàng đã chỉ đạo các phòng giao dịch ở từng địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá kịp thời để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, hộ vay nào bị thiệt hại dưới 40% sẽ được gia hạn nợ; từ 40% trở lên sẽ được khoanh nợ 3 đến 5 năm tùy theo đối tượng vay và miễn lãi vay trong thời gian này; trường hợp nào có nhu cầu vay vốn để tái đầu tư sản xuất, ngân hàng sẽ tạo mọi điều kiện để cho vay.
Bên cạnh những hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển kinh tế, thì cũng có rất nhiều người dân vay vốn từ các ngân hàng thương mại để trồng trọt, chăn nuôi... Đặc biệt, với mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp các địa phương trong tỉnh như Ngân hàng NN&PTNT, thì số khách hàng bị ảnh hưởng là rất lớn, trong đó, tập trung vào những hộ vay vốn trồng rừng. Vì vậy, người dân rất mong ngân hàng kịp thời có các chính sách khoanh nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất... cũng như chính sách cho vay bổ sung, giúp người dân vượt qua khó khăn, tái đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: HỒNG HOA