(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm này, nông dân Quảng Ngãi đang bước vào vụ thu hoạch mì. Năm nay, cây mì không chỉ năng suất không đạt, mà giá bán cũng xuống thấp, khiến người trồng mì không có lãi, thậm chí lỗ vốn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau khi phát hiện 4 sào mì của gia đình mắc bệnh vi rút khảm lá, ông Đinh Văn Én, ở xã Sơn Thành (Sơn Hà) đã nhổ bỏ, đốt tiêu hủy, rồi chọn những cây giống không mắc bệnh trồng lại vụ mới. Tuy nhiên, sau một thời gian, cây mì lại nhiễm bệnh, ông Én không còn cách nào khác, đành chấp nhận lỗ vốn.
Ông Én cho biết: “Tôi trồng mì nhiều năm, nhưng chưa năm nào gặp khó như năm nay. Chấp nhận phá bỏ diện tích mì mắc bệnh, trồng lại vụ mới, nhưng mì vẫn bị nhiễm bệnh. Những năm trước, với 4 sào mì tôi thu được khoảng 6 tấn mì, nhưng năm nay chỉ thu được 3 tấn mì tươi. Nếu tính chi phí đầu tư, công chăm sóc, thuê người thu hoạch thì không có lãi”.
Năng suất và giá bán xuống thấp, khiến người trồng mì không có lãi. |
Những ngày này, người dân ở các xã bãi ngang ven biển như Đức Minh, Đức Phong, Đức Lợi (Mộ Đức) đang vào vụ thu hoạch mì. Bà Nguyễn Thị Ba, ở xã Đức Minh than thở: “Tôi có 5 sào mì, vừa nhổ xong 2 sào, nhưng chẳng muốn thu hoạch tiếp. Mì rất ít củ, năng suất không đạt, giá bán thì thấp. Mọi năm, một sào mì bán củ tươi, trừ chi phí cũng thu được hơn 2 triệu đồng, năm nay chỉ bằng một nửa. Giá mì tươi quá thấp (1.300 đồng/kg), nên tôi dự định đem phơi khô rồi chờ giá lên để bán vớt vát chút ít, cứ như tình hình này thì sẽ lỗ”.
Theo nhiều thương lái thu mua mì, nguyên nhân giá mì xuống thấp (giảm khoảng 600 - 700 đồng/kg so với năm 2019) là do thời tiết bất lợi, cộng với bệnh vi rút khảm lá bùng phát, khiến năng suất mì giảm. Bên cạnh đó, hàm lượng tinh bột không đạt, nên các nhà máy thu mua với giá thấp. “Tôi đi thu mua nhiều nơi, đa số diện tích mì đều còi cọc, nhiễm bệnh. Những vụ mì trước, một ngày tôi mua khoảng 60 tấn mì, còn năm nay thu mua rất ít, do mì không đạt năng suất”, chị Lê Thị Hồng Hạnh, một thương lái thu mua mì bày tỏ.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Thế Vĩnh cho biết: Toàn tỉnh có hơn 16.000ha mì, trong đó có đến 25% diện tích mì bị bệnh vi rút khảm lá. Để đưa ra các giống mì có khả năng kháng được bệnh vi rút khảm thì đòi hỏi một quá trình nghiên cứu lâu dài. Trước mắt, Chi cục đang phối hợp với các địa phương thực hiện phòng, chống bệnh vi rút khảm lá mì, mở các lớp tập huấn tuyên truyền, tổ chức tiêu hủy các cây mì nhiễm bệnh và phun thuốc bảo vệ thực vật trừ côn trùng.
Bài, ảnh: M.D