Khu kinh tế Dung Quất: Cần nhiều nguồn lực để phát triển

07:10, 28/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất có vị thế, tiềm năng hết sức thuận lợi để  thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư. Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Đàm Minh Lễ cho rằng, cần tập trung nguồn lực đầu tư để tiếp tục phát huy, khơi dậy các tiềm năng, vị thế của KKT Dung Quất, làm đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hệ thống cảng nước sâu là một lợi thế lớn trong thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.
Hệ thống cảng nước sâu là một lợi thế lớn trong thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.
PV: Xin ông cho biết, KKT Dung Quất hội tụ những lợi thế như thế nào so với các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên?
 
Ông Đàm Minh Lễ: Vị thế, tiềm năng của Dung Quất đã được các chuyên gia nghiên cứu, đánh giá rất kỹ trong Đồ án Quy hoạch hình thành KCN Dung Quất-1996, khi lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước. 
 
Qua hơn 20 năm hình thành, vị thế, tiềm năng của KKT Dung Quất ngày càng rõ nét hơn, như: Hệ thống đường giao thông trục chính bên trong KKT đã được đầu tư đồng bộ. Hệ thống giao thông ngày càng kết nối thuận lợi, như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào hoạt động (tháng 9.2018). Sân bay Chu Lai, đã tăng nhiều chuyến bay trong ngày đi Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Riêng cảng Dung Quất đã dần được phát huy đúng tiềm năng của một cảng nước sâu. Đến nay, Cảng Hòa Phát Dung Quất tiếp nhận được tàu có công suất 200 nghìn tấn; Tập đoàn Hòa Phát cũng đang triển khai bến cảng container. Hiện ở Dung Quất đang có 3 bến cảng tổng hợp và 5 bến cảng chuyên dùng hoạt động, tiếp nhận tàu có công suất 50 - 70 nghìn tấn.
 
Về du lịch - nghỉ dưỡng, trong KKT Dung Quất có các bãi biển đẹp, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh, gắn kết thuận lợi với huyện Lý Sơn; có khu vực biển nằm trong công viên địa chất toàn cầu... được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm.
 
Đặc biệt, KKT Dung Quất đã thu hút được các dự án lớn như: Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất; Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan Vina; Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; KCN - Đô thị- Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi... Hiện nay, KKT Dung Quất và KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) là một dãy công nghiệp lớn, là hai KKT biển thành công trong thu hút đầu tư với các dự án lớn, dự án động lực. 
 
PV: Xin ông cho biết giải pháp nào để phát huy lợi thế, tiềm năng của KKT Dung Quất trong thời gian đến?
 
Ông Đàm Minh Lễ: Mặc dù có tiềm năng, lợi thế hết sức thuận lợi, nhưng trong quá trình đầu tư, phát triển KKT Dung Quất chưa phát huy hết. Nguồn lực đầu tư còn quá ít đã làm chậm việc phát huy tiềm năng, khai thác hiệu quả của KKT. Tuyến Quốc lộ 1 qua KCN Tịnh Phong, KCN VSIP Quảng Ngãi quá hẹp, luôn quá tải và mất an toàn. Đường ven biển, đoạn kết nối giữa KKT Dung Quất và TP.Quảng Ngãi vẫn chưa thông, nên chưa khai thác được tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng, đô thị và làm chậm phát triển đô thị Vạn Tường. Riêng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, nhưng đoạn nối kết với KKT Dung Quất vẫn chưa xong. Nguồn lực bố trí đầu tư hạ tầng chính của KKT cũng giảm rất nhiều; giao thông kết nối Dung Quất với khu vực miền Trung và Tây Nguyên chưa đầu tư hoàn thiện.
 
Từ thực tế đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối thuận lợi trong KKT, trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là tuyến đường kết nối với Tây Nguyên, vì Tây Nguyên rất cần hướng biển và Dung Quất rất cần tiếp nhận hàng hóa, nguyên liệu, nhân lực... từ Tây Nguyên. Đây cũng là tuyến đường hướng biển gần và thuận lợi nhất của các khu vực Nam Lào, Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan... thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.
 
Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện hạ tầng và khai thác hiệu quả cảng biển nước sâu Dung Quất. Sớm hình thành tuyến container để giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa tuyến biển, giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh và tăng hiệu quả cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Dung Quất. Khẩn trương hoàn thành tuyến đường kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và tuyến đường ven biển Dung Quất - Mỹ Khê - tuyến đường tiềm năng thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác hiệu quả quỹ đất ven biển. Đồng thời, nghiên cứu sớm hình thành một cầu cảng tại Vạn Tường, kết nối thuận lợi với huyện Lý Sơn, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, nghỉ dưỡng ở đô thị của Vạn Tường.
 
Ngoài ra, tập trung hỗ trợ cho các DA lớn, DA động lực triển khai thuận lợi, hiệu quả như Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất; mở rộng Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; các tổ hợp điện khí; KCN - Đô thị- Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; các dự án đô thị, nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC... Bởi các DA này có quy mô lớn, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh và có sức lan tỏa trong thu hút đầu tư. Đó là các nhiệm vụ lớn, định hướng chiến lược để chuỗi công nghiệp Dung Quất - Chu Lai sớm phát huy và khẳng định vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
 
PHẠM DANH 
(thực hiện)
 
 
 

.