(Báo Quảng Ngãi)- Những công trình cầu, đường giao thông được đầu tư trong 5 năm qua đã tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông (HTGT) và hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những cây cầu mở cửa tương lai
Sông Trà Khúc chảy qua TP.Quảng Ngãi tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho bộ mặt đô thị thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình xây dựng đô thị hướng biển. Trên dòng sông ấy, những cây cầu mới được đầu tư hoàn thành đã mở ra bước ngoặt mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh cho TP.Quảng Ngãi và các địa phương lân cận.
Trước đây, giữa bờ bắc và bờ nam sông Trà Khúc (đoạn từ cầu Trường Xuân đến cầu Trà Khúc 1) mọi hoạt động giao thương đi lại đều phụ thuộc hoàn toàn vào cầu Trà Khúc 1. Cây cầu hàng chục năm tuổi ấy trở nên quá tải, vì lưu lượng phương tiện quá nhiều. Ở phía bờ nam, dù là đô thị trung tâm, song từ đường Hai Bà Trưng đến Tôn Đức Thắng nhà cửa thưa thớt. Còn ở bờ bắc sông Trà Khúc vẫn mang dáng dấp của nông thôn. Nhưng rồi, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi khi cầu Thạch Bích được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đã góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo đô thị ở khu vực này.
Cầu Thạch Bích (TP.Quảng Ngãi) là một trong những công trình giao thông quan trọng, tạo sự đột phá về phát triển hạ tầng của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. ẢNH: L.đỨC |
Xuôi về phía biển, cầu Cổ Lũy được xây dựng đã biến ước mơ của cư dân nơi đây trở thành hiện thực. Một cây cầu dây văng hiện đại sừng sững nơi cửa biển, bắc ngang con sông Trà Khúc, nối hai bờ lại gần hơn bao giờ hết. Cầu Cổ Lũy hình thành, kéo theo đó là những khu dân cư, khu đô thị được đầu tư từ nguồn vốn huy động xã hội hóa. Phố thị hình thành trên dải đất ven sông. Từ trên cao nhìn xuống, bóng dáng đô thị biển của hai xã Tịnh Khê và Nghĩa Phú đã nên hình. Đêm đêm, ánh đèn cầu Cổ Lũy đẹp lung linh, báo hiệu cho sự thịnh vượng và hiện đại đã chạm ngõ nơi mảnh đất cuối dòng sông Trà.
Còn với người dân khu đông huyện Bình Sơn, từ ngày cầu Trà Bồng mới được xây dựng trên tuyến đường Trì Bình - Dung Quất đã mở hướng cho cả khu vực đổi thay, mang lại vận hội mới cho vùng đất Vạn Tường. Những đoàn xe tải chở hàng hóa, nông, lâm sản nối đuôi nhau chạy về bến cảng để xuất khẩu đi các nước.
Ở phía nam tỉnh, bao ước mơ của người dân hai phường Phổ Quang và Phổ Minh (Đức Phổ) về một cây cầu nối đôi bờ sông Thoa nơi cửa biển Mỹ Á đã trở thành hiện thực, khi cầu Hải Tân được đầu tư xây dựng, xóa đi bao nỗi nhọc nhằn. Cây cầu hình thành không chỉ mang sứ mệnh giao thương, mà còn là công trình động lực trong phát triển kinh tế - xã hội ở hai phường ven biển này.
Tuyến Quốc lộ 24B chạy về huyện Sơn Hà qua cầu sông Rin trên Tỉnh lộ 623, bao đời nay luôn bị chia cắt mỗi mùa mưa bão đến. Giờ đây, nỗi lo ấy đã lùi vào dĩ vãng khi cầu sông Rin mới đang được đầu tư. Với người dân hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây, cầu sông Rin mới là bệ phóng, là động lực cho đô thị Di Lăng phát triển trong tương lai.
Hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện
Khi nhịp độ phát triển hạ tầng ở các đô thị đã tạo sự bứt phá mạnh mẽ, thì ở các vùng nông thôn, những tuyến đường đất chật hẹp, gập ghềnh cũng dần được xóa bỏ. Thay vào đó là những tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) được đầu tư kiên cố theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến các xã của huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa không khó để nhận ra những đổi thay rõ nét khi mà tất cả các tuyến đường GTNT, đường nội đồng đã được bê tông 100%. Sức sống ở các vùng quê cũng dần đổi thay theo từng con đường.
Cầu Hải Tân, công trình giao thông quan trọng xóa cảnh chia cách hai bên bờ sông Thoa nơi cửa biển Mỹ Á (TX.Đức Phổ). Ảnh: L.Đức |
Xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), những năm trước gần như 100% là đường đất. Nhưng sau khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn bộ đường giao thông ở đây đã được bê tông kiên cố, làm thay đổi diện mạo quê hương. Khi đường được xây dựng, đời sống người dân cũng vì thế mà thay đổi theo. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm Lê Văn Bảy cho biết: “Sau khi phát động xây dựng NTM, người dân và chính quyền đã quyết tâm, đồng lòng xây dựng, nên sau thời gian ngắn toàn bộ hệ thống đường GTNT, đường nội đồng đã được cứng hóa, làm thay đổi toàn bộ vùng đất này. Có đường lớn, người dân xây dựng lại nhà cửa, tường rào, cổng ngõ khang trang hơn. Ngoài ra, còn góp tiền đầu tư hệ thống điện chiếu sáng công cộng và trồng những con đường hoa. Nhà nước hỗ trợ, người dân đồng lòng đã đưa Nghĩa Lâm đổi thay nhanh chóng”.
Chương trình xây dựng NTM đã tạo nên những diện mạo mới về hạ tầng ở nhiều địa phương như TX.Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh... Qua 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh đã xây dựng gần 4.000 tuyến, đoạn tuyến đường GTNT, với chiều dài hơn 913km. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng GTNT, đưa 98 xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí về NTM.
Hướng đến tương lai
Để có được HTGT như hiện nay là cả một quá trình xây dựng kế hoạch và bắt tay thực hiện của cả hệ thống chính trị trong 5 năm qua. Theo lãnh đạo Sở GTVT, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã bố trí kế hoạch vốn cho 340 dự án lớn (110 dự án chuyển tiếp). Trong đó có một số dự án lớn, tác động tích cực đến việc phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh như: Cầu Cổ Lũy, cầu Thạch Bích, cảng Bến Đình, các tuyến đường trung tâm huyện Sơn Tịnh...
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là HTGT và hạ tầng đô thị, đến nay có 98,3% đường tỉnh, 77,2% đường huyện, 68,2% đường xã, 41,6% đường GTNT được nhựa hóa, cứng hóa.
Theo Sở GTVT, thời gian đến, ngành sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tập trung đầu tư xây dựng HTGT. Đồng thời, đốc thúc nhà thầu sớm hoàn thành các dự án như cầu Sông Rin; nâng cấp, mở rộng các tuyến Tỉnh lộ 623B, 624B; đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc; các tuyến đường: Quảng Ngãi - Thu Xà, cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2... Phấn đấu nhựa hóa, cứng hóa đạt 90% các tuyến đường huyện và đầu tư nhiều công trình khác, từng bước hoàn thiện HTGT trên địa bàn tỉnh, tạo thế và lực để Quảng Ngãi phát triển nhanh và bền vững trong những năm đến.
Lê Đức