Tạo đột phá để phát triển nhanh và bền vững

10:10, 20/10/2020
.
ĐẶNG VĂN MINHPhó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
 
(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung vào năm 2025, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải chung sức, đồng lòng vượt lên chính mình, đổi mới tư duy, quyết liệt hành động để tạo sức bật phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi phải khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), nhằm hiện thực hóa các khâu đột phá chiến lược, đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
 
Những thành quả tạo động lực cho sự phát triển
 
Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá dầu thô giảm mạnh, nên đã tác động rất lớn đến kết quả phát triển KT - XH của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020; ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư, thu ngân sách nhà nước, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu; một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; đời sống của một bộ phận người lao động bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn... 
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra thực tế tiến độ thi công dự án cầu Cổ Lũy, TP.Quảng Ngãi. (Ảnh chụp ngày 3.10.2020). ẢNH: LÊ ĐỨC
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra thực tế tiến độ thi công dự án cầu Cổ Lũy, TP.Quảng Ngãi. (Ảnh chụp ngày 3.10.2020). ẢNH: LÊ ĐỨC
 
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, lãnh đạo quân và nhân dân tỉnh nhà nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đạt một số kết quả quan trọng. Kinh tế tiếp tục phát triển; quy mô tổng sản phẩm tăng khá; 3 nhiệm vụ đột phá và 3 nhiệm vụ trọng tâm được tập trung chỉ đạo thực hiện đạt một số kết quả khả quan.
 
Thực hiện đạt 19/25 nhóm chỉ tiêu KT - XH chủ yếu (trong đó có 10 chỉ tiêu vượt); 6 chỉ tiêu không đạt so với nghị quyết (tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân; GRDP bình quân đầu người tính đến năm 2020; cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lao động nông nghiệp; tuổi thọ bình quân; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân).
 
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2020 ước đạt 82.593 tỷ đồng. GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 4,83%/năm; nếu không tính sản phẩm lọc dầu thì tăng bình quân 8,5%/năm. Trong đó, ngành công nghiệp đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp 5 năm qua ước đạt 584.106 tỷ đồng, chiếm 70% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh (829.150,12 tỷ đồng). Tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng trong tổng lao động chiếm 32%. Năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.791 USD, gấp 1,2 lần so với năm 2015.
 
Hạ tầng KT - XH có bước phát triển khá. Trong 5 năm, có khoảng 1.240 dự án, công trình được đầu tư, xây dựng. Một số dự án lớn đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIX và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đến nay cơ bản đã hoàn thành như: Cầu Cửa Đại (Cổ Lũy), cầu Thạch Bích, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 1 (đoạn Dốc Sỏi - KCN VSIP Quảng Ngãi), cảng Bến Đình và một số công trình y tế được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới, thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh. Đến nay, 98,3% đường tỉnh, 77,2% đường huyện, 68,2% đường xã, 41,6% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa; 100% xã phủ lưới điện quốc gia.
 
Môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư từng bước được cải thiện, có mặt chuyển biến tích cực. Đã thu hút hơn 780 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký khoảng 320.401 tỷ đồng (13,35 tỷ USD) và 64 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đăng ký 1,954 tỷ USD; trong đó, có một số dự án đã đi vào hoạt động như Thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Vina, các dự án trong KCN VSIP Quảng Ngãi, góp phần hình thành các sản phẩm mới, tăng quy mô nền kinh tế cũng như giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
 
Toàn tỉnh hiện có trên 6.700 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp hơn 70% vào tổng thu nhập nội địa, là nguồn lực nội sinh vô cùng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT - XH của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; xây dựng và phát triển văn hóa, con người được chú trọng; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; sự nghiệp y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển; công tác nội chính, đối ngoại được tăng cường; cải cách hành chính đạt một số kết quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
 
Những thành tựu đạt được trong hơn 30 năm tái lập tỉnh, nhất là giai đoạn 2016 - 2020, sẽ là tiền đề, động lực cho phát triển KT - XH của Quảng Ngãi trong giai đoạn 2021 - 2025.
 
Phát triển nhanh, bền vững với  tầm nhìn dài hạn
 
Với mong muốn đổi mới, khát vọng vươn lên, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi không những xác định năm sau phát triển cao hơn năm trước, mà phải so sánh mức độ phát triển của tỉnh với các tỉnh lân cận và vùng miền Trung. Vì vậy, quan điểm của tỉnh trong nhiệm kỳ đến là: Khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, niềm tin phát triển trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ tư duy; khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững. Phát triển kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu, lấy tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, bền vững làm hướng chủ đạo.
 
Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lấy giá trị văn hóa, con người làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, văn minh. Nhà nước làm tốt vai trò kiến tạo để người dân được trao cơ hội phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Phát triển KT - XH đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển bền vững.
 
Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng theo mục tiêu tổng quát của 5 năm đến là: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết  và khát vọng phát triển; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. 
 
Để hoàn thành được mục tiêu nêu trên, cùng với việc thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển mọi mặt của tỉnh, Quảng Ngãi sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển KT - XH xoay quanh 4 mục tiêu chủ yếu; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng kinh tế.
 
Tập trung thực hiện các mục tiêu chủ yếu
 
Thứ nhất, phát triển kinh tế đi đôi với bền vững môi trường. Đó là, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững;  giảm phụ thuộc sự tăng trưởng kinh tế vào sản phẩm lọc hóa dầu; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp và đẩy mạnh hội nhập; giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ; nâng mức thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; hình thành và phát triển các cụm ngành hợp lý, có lợi thế; đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh kinh tế biển đảo. 
 
Sản phẩm cơ khí chế tạo của Doosan Vina góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu cho Quảng Ngãi.             ẢNH: D.S
Sản phẩm cơ khí chế tạo của Doosan Vina góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu cho Quảng Ngãi. ẢNH: D.S
 
Thứ hai, thực hiện công bằng và hòa nhập xã hội. Cải thiện môi trường sống, làm việc của người dân thông qua việc cải thiện chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; đảm bảo giáo dục cơ bản, có chất lượng cho tất cả mọi người. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Có giải pháp giảm nghèo một cách bền vững, căn cơ. Tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận các điều kiện phát triển (người khuyết tật, người già, trẻ em có điều kiện khó khăn, bình đẳng giới và các chính sách an sinh xã hội khác). Cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục, trong đó chính sách dành cho trẻ em người dân tộc thiểu số là chính sách ưu tiên. Xây dựng cơ chế, phương thức hoạt động thị trường lao động ngày càng hiệu quả. Giải quyết tốt việc làm cho người lao động.
 
Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải cách lề lối, tác phong trong hoạt động quản lý nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước hiệu quả; xây dựng, đánh giá hiệu quả công việc thông qua việc xây dựng, ứng dụng các Chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI). Tiếp tục chuyển đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế từ vị thế của một nhà quản lý truyền thống sang vị thế là chủ thể điều tiết và hỗ trợ một cách hiệu quả. Áp dụng nguyên tắc thị trường đối với các quyết sách kinh tế; đảm bảo cạnh tranh công bằng. Tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Nâng cao văn hóa, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
 
Thứ tư, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.
 
Chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm 
 
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị. Cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh phát triển KT - XH, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.
 
Ưu tiên cho những đột phá 
 
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển.
 
Theo đó, quan điểm về phát triển công nghiệp trong thời gian đến là phải tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ngoài dầu. Vì vậy, cần tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng KKT Dung Quất, các khu, cụm công nghiệp, nhất là nguồn lực của các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng. Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án điện khí tại KKT Dung Quất...
 
Xác định những “điểm nghẽn” còn tồn tại trong phát triển công nghiệp; rà soát toàn diện các cơ chế, chính sách, xem xét đổi mới tư duy, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, cải tổ mạnh mẽ mô hình hoạt động của KKT Dung Quất; ưu tiên nguồn lực để phát triển KKT Dung Quất trở thành một trung tâm công nghiệp, thành phố công nghiệp của miền Trung. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thu hút khoảng 1 - 1,5 tỷ USD; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 950 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 77.000 lao động.
 
Phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng kinh tế
 
Đối với vùng miền núi: Thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tranh thủ tối đa nguồn lực của Trung ương theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội để đẩy mạnh phát triển KT - XH, giảm nghèo bền vững. Tập trung khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển lâm nghiệp bền vững. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả. Có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào khu vực miền núi.
 
Đối với vùng đồng bằng: Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, dựa vào khoa học, công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Quy hoạch, phát triển một số vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, trước hết tập trung ở những địa phương có điều kiện như: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn... Tập trung thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, bảo đảm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp.
 
Đối với vùng ven biển, hải đảo: Thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tạo bước phát triển mạnh về kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển đồng bộ cả công nghiệp, dịch vụ, du lịch biển, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng thủy sản. Tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất. Quy hoạch, đầu tư phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch chất lượng cao ven biển. Phát triển bền vững huyện đảo Lý Sơn.
 
Đối với vùng kinh tế động lực: Phân bổ vốn đầu tư công gắn với thu hút đầu tư ngoài ngân sách có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm để tập trung phát triển 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh: Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; KKT Dung Quất và vùng lân cận là trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh; vùng ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh và Lý Sơn là trọng tâm phát triển về du lịch, dịch vụ.
 
Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung thực thi hiệu quả, hiệu lực các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng tự nhiên, năng lực cạnh tranh của tỉnh; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên; chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
 
 
 
 
 
Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025
 
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 7 - 8%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 6 - 8%/năm. Năm 2025, GRDP bình quân đầu người khoảng 4.200 - 4.400 USD; thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) tăng bình quân 7 - 10%/năm; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GRDP khoảng 69 - 70%; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 35%. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn trong 5 năm đạt ít nhất 150.000 tỷ đồng. Phấn đấu thu ngân sách hằng năm vượt mức chỉ tiêu trung ương giao trên 5%. 
 
Về xã hội: Có 119 xã và 6 huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 37%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 2,8%; có ít nhất 50% trường mầm non, 88% trường tiểu học, 88% trường trung học cơ sở, 32% trường tiểu học - trung học cơ sở, 71% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; có trên 8 bác sĩ và 32 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 - 1,5%/năm. 
 
Về môi trường: Có ít nhất 90% dân số đô thị, 75% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; ít nhất 65% chất thải nguy hại, 95% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 52%...
 
H.T (tổng hợp)

 

 

.