(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2306/QĐ-UBND ngày 30.11.2017, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, hướng đến mục tiêu giữ gìn đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật biển trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay các chương trình, dự án đề ra vẫn còn nằm trên giấy.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đề ra nhiều giải pháp...
Quyết định (QĐ) 2306 phê duyệt “Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020”, với các mục tiêu đến năm 2020 chấm dứt tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và sử dụng ngư cụ cấm khai thác để khai thác thủy sản. Qua đó, cơ bản quản lý triệt để khai thác ven bờ, phục hồi nguồn lợi thủy sản ven bờ; đồng thời hoàn thành việc điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản ven bờ; cũng như quy hoạch, khoanh vùng khu vực cấm khai thác, vùng cấm khai thác có thời hạn, đối tượng thủy sản cấm khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi...
Số lượng tàu cá vùng lộng và ven bờ của tỉnh có gần 2.100 chiếc, với công suất tàu ngày càng tăng khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. |
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, QĐ 2306 đã đề ra hàng loạt danh mục các chương trình, dự án, với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 18 tỷ đồng. Trong đó, sẽ thực hiện điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa để xác định khả năng cho phép khai thác bền vững và phục vụ công tác quản lý, dự báo ngư trường; xây dựng và triển khai mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng; điều tra cơ cấu nghề trong lĩnh vực khai thác thủy sản, từng bước giảm dần các nghề khai thác mang tính tận diệt, hủy hoại môi trường sinh thái biển...
Mặt khác, với trọng tâm phát triển Khu bảo tồn biển Lý Sơn trở thành khu sinh thái biển mang tính đa dạng sinh học cao phục vụ phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch, QĐ 2306 đề ra 4 dự án với hơn một nửa kinh phí của cả giai đoạn (khoảng 9,6 tỷ đồng) đầu tư cho Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Theo đó, Khu bảo tồn biển Lý Sơn sẽ được đầu tư lắp đặt phao tiêu phân định các vùng chức năng; phục hồi hệ sinh thái đặc thù (san hô, thảm cỏ biển) và giám sát đa dạng sinh học, môi trường; chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân bị ảnh hưởng sinh kế khi thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn và mua sắm các trang thiết bị như phương tiện tuần tra, đồ lặn, camera dưới nước...
“Nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng ven bờ của tỉnh đang ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Hiệu quả kinh tế khai thác thủy sản giảm sút, khiến nhiều tàu cá đánh bắt ven bờ bị thua lỗ phải nằm bờ. Vì vậy, tỉnh cần sớm có giải pháp giảm khai thác gần bờ và tăng cường các giải pháp bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thủy sản. Có như thế, mới bảo vệ được hệ sinh thái biển và sinh kế bền vững, lâu dài cho ngư dân".
Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh
PHAN HUY HOÀNG
|
...nhưng thực hiện cầm chừng
Mặc dù UBND tỉnh đã đưa ra lộ trình với từng nhiệm vụ cụ thể để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Song, đến nay trong danh mục 9 chương trình, dự án đề ra tại QĐ 2306, mới chỉ có khoảng phân nửa chương trình, dự án đã triển khai. Còn lại, các dự án như: Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nghề cá thương phẩm tỉnh; xây dựng và công bố danh mục các đối tượng thủy sản cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn; các vùng cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn; chuyển đổi nghề cho ngư dân bị ảnh hưởng của Khu bảo tồn biển Lý Sơn; thiết lập các rạn nhân tạo, khôi phục rừng ngập mặn... đều chưa thực hiện được.
Ngư dân sử dụng các loại lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác các loại cá con là nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt. |
Đối với nhiệm vụ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nghề cá thương phẩm tỉnh, dù UBND tỉnh đã cấp kinh phí và giao Sở NN&PTNT thực hiện từ năm 2020 - 2021, nhưng hiện tại, nhiệm vụ này vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Vào ngày 6.9 vừa qua, Sở NN&PTNT có tờ trình xin chuyển thời gian thực hiện nhiệm vụ từ năm 2020 - 2021 sang năm 2021 - 2022.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười, do Bộ NN&PTNT chưa có văn bản quy định định mức kỹ thuật cụ thể về điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và nghề cá thương phẩm, nên việc xây dựng dự toán của nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ. Đến nay, dự toán thực hiện nhiệm vụ vẫn chưa được phê duyệt. Trong khi đó, để đảm bảo tính đại diện và độ tin cậy trong việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, bắt buộc phải lấy mẫu, phân tích mẫu trong thời gian tối thiểu 2 năm. Vì vậy, việc hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2021 là không thể.
Đối với dự án Chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi Khu bảo tồn biển Lý Sơn, theo QĐ 2306, thì đây là dự án được thực hiện từ năm 2017 - 2020, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được bố trí kinh phí. Trong khi đó, sau khi thành lập khu bảo tồn với phạm vi 7.900ha xung quanh đảo Lý Sơn, các hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trong phạm vi này đều bị nghiêm cấm. Vì vậy, việc chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt thủy sản ven bờ tại Lý Sơn là việc làm rất cần thiết và cấp bách.
Đừng để chậm chân
Trong khi chờ đợi các ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, tình trạng ngư dân khai thác quá mức thủy sản ven bờ đang khiến nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, tác động không nhỏ đến đa dạng sinh học và lộ trình phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững.
Do tỉnh chưa xây dựng và công bố danh mục các đối tượng thủy sản cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn, các vùng cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn, nên ngư dân đang khai thác thủy sản theo kiểu mạnh ai người đó làm và khai thác một cách quá mức, dẫn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ đang suy kiệt đến mức báo động.
Tại nhiều xã bãi ngang ven biển huyện Mộ Đức, nhiều ngư dân phản ánh, nguồn lợi thủy sản ven bờ hiện đang sụt giảm nghiêm trọng. “Nhiều loại cá như cá đỏ củ, ngày trước còn đi theo luồng vào đến tận vùng nước gần bờ của biển Đức Minh, nhưng trong 5 năm trở lại đây, luồng cá này gần như biến mất. Sản lượng khai thác hải sản của ngư dân, từ việc tính theo tạ mỗi đêm, giờ chỉ còn chưa đến mười ký trong mỗi đêm vươn khơi”, ngư dân Nguyễn Cho, xã Đức Minh (Mộ Đức) trầm ngâm.
Tại huyện Lý Sơn, dù đã thành lập được khu bảo tồn biển, nhưng công tác bảo tồn mới chỉ dừng lại ở việc phân định ra vùng cấm đánh bắt, chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngư dân khai thác tràn lan trong khu vực bảo tồn.
Ngư dân Lý Sơn vẫn đang phải bám trụ với nghề biển ven bờ để mưu sinh. |
Theo báo cáo kết quả bảo vệ nguồn lợi thủy sản 9 tháng năm 2020 của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn, chỉ trong một ngày tuần tra (ngày 20.3.2020), cơ quan chức năng đã phát hiện, tịch thu tang vật và xử lý vi phạm hành chính 4 tàu cá, với tổng số tiền 50 triệu đồng, vì trên tàu có công cụ kích điện.
Tiếp sau đó, từ tháng 7 - 8.2020, qua 5 lượt tuần tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 10 trường hợp ngư dân khai thác ốc cừ ngay trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Trong 9 tháng năm 2020, khi tuần tra trên biển và trên bờ biển xung quanh Khu bảo tồn biển Lý Sơn, Ban Quản lý đã phát hiện và ghi nhận 2.384 lượt thúng, 544 lượt tàu, 3.260 lượt ca nô, 6.175 lượt người có hành vi đánh lưới, câu, lặn bắt ốc, hái rong biển... trong phạm vi Khu bảo tồn. Trong đó, có nhiều trường hợp, dù đội tuần tra đã tuyên truyền, nhắc nhở và cho chủ phương tiện ký vào giấy cam đoan không khai thác thủy sản trong vùng nước của Khu bảo tồn biển Lý Sơn, nhưng chủ phương tiện không chấp hành.
“Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đó là, chỉ khi nào giải quyết được bài toán sinh kế, chuyển đồi nghề thành công cho ngư dân đánh bắt ven bờ ở huyện đảo, thì mới có thể chấm dứt được tình trạng ngư dân khai thác thủy sản trong khu bảo tồn. Song, do nhiều nguyên nhân, đến nay kinh phí thực hiện dự án chuyển đổi nghề vẫn chưa được bố trí. Trong khi đó, gần 1.000 ngư dân đánh bắt thủy sản ven bờ của Lý Sơn đang rất mong mỏi được hỗ trợ vay vốn để chuyển từ đánh bắt ven bờ sang xa bờ, hoặc được đào tạo nghề để chuyển hẳn từ nghề biển sang các nghề trên bờ”, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn Huỳnh Ngọc Dũng cho biết.
Bài, ảnh: Ý THU