Nhọc nhằn nghề gặt lúa thuê

10:09, 06/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không phải ai bỏ ra một số vốn lớn để mua máy gặt đập liên hợp là có thể phát triển kinh tế gia đình được. Bởi lẽ, trong số này có không ít trường hợp phải lao đao, vì máy đập gặt liên hợp thường xuyên bị hư hỏng.
Lao đao vì máy móc
 
Hai năm trước, ông Nguyễn Tào Thu, ở thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) đã quyết định vay vốn mua máy gặt đập liên hợp để đi gặt lúa thuê. Cứ nghĩ, dịch vụ này sẽ giúp ông có nguồn thu nhập ổn định sau mỗi mùa vụ, nhưng kết quả không như vợ chồng ông mong đợi. Năm đầu tiên, máy móc còn mới, nên công việc của ông khá thuận lợi, sau mỗi vụ mùa, trừ chi phí, vợ chồng ông thu về từ 20 - 30 triệu đồng.
 
Sau một thời gian hoạt động, máy móc bắt đầu xuống cấp, vợ chồng ông cũng lao đao. Ông Thu cho biết: “Sau hai vụ, máy móc bắt đầu hư hỏng và tốn rất nhiều tiền để sửa chữa. Mua máy này cũng rất may rủi, trúng cái tốt thì chạy ngon lành, còn gặp phải cái hay hư hỏng, coi như lỗ vốn. Đã vậy, chi phí sửa chữa lại rất cao, có những thiết bị phải đặt từ tỉnh khác về mới có”. 
 
Nhiều nông dân sắm máy gặt đập liên hợp để đi gặt lúa thuê.
Nhiều nông dân sắm máy gặt đập liên hợp để đi gặt lúa thuê.
 
Sắm máy gặt đập liên hợp hơn 2 năm trước, cứ đến mùa thu hoạch lúa, vợ chồng, con cái ông Nguyễn Kim Tuấn, ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) lại lặn lội đến tận những cánh đồng ở huyện Tư Nghĩa để gặt lúa thuê. Điều ông Tuấn lo lắng nhất trong mỗi vụ lúa, là máy bị trục trặc. “Những hư hỏng nhỏ tôi còn sửa được, chứ hư hỏng lớn là phải gọi thợ đến sửa. Nhiều khi phải gọi thợ tận TX.Đức Phổ ra sửa, mất thời gian khiến không gặt lúa được, coi như lỗ vốn”, ông Tuấn nói.
 
Làm dâu trăm họ
 
Gần 5 năm trở lại đây, khi cơ giới hóa phát triển, việc thu hoạch của người nông dân nhờ đó cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Những người sắm máy gặt đập liên hợp, gắn bó với công việc gặt lúa thuê cũng có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ phải làm việc cả ngày lẫn đêm, kịp thu hoạch lúa cho mọi người.
 
“Chúng tôi giống như “làm dâu trăm họ”, vì ai cũng muốn gặt cho mình trước. Tôi thì phải gặt theo trình tự, hết thửa tới thửa, nhưng có một số người vì sạ khác giống, nên lúa chín trước rồi thúc giục. Chính vì vậy, xảy ra tình trạng giành giật, cãi cọ, thậm chí xô xát với nhau tại đồng", anh Nguyễn Thành Được, chủ máy gặt đập liên hợp, ở thôn An Hòa Bắc, xã Nghĩa Thắng cho hay.
 
Không chỉ chịu áp lực trước việc nông dân yêu cầu gặt trước, nhiều chủ máy còn phải trả phí cho những “bảo kê” ở địa phương. Trước mỗi vụ lúa, những người này chủ động liên lạc với chủ máy và yêu cầu phải hoạt động theo sự giám sát của họ. Theo đó, người dân phải trả từ 180 - 200 nghìn đồng/sào, còn chủ máy sẽ phải nộp tiền, với giá từ 10 - 20 nghìn đồng/sào mới được thu hoạch lúa. Ông Nguyễn Kim Tuấn chia sẻ: “Mình muốn có ruộng để gặt thì phải tuân theo sự điều động của những người “bảo kê”. Có khi mình đang gặt lúa ở vùng này, nhưng họ bảo chuyển sang vùng khác, trong khi lúa đã chín rục, khiến nông dân rất bức xúc”.
 
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Tào Thu cho biết: “Mùa sau, chúng tôi sẽ đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo thôn và xin họ địa bàn để hoạt động. Làm như vậy sẽ giảm được chi phí cho người dân, còn chúng tôi cũng gặt lúa theo trình tự từng cánh đồng, không gây khó khăn cho ai cả”.
 
Bài, ảnh: MẠNH KHOA
 
 
 

.