Gặt lúa chạy úng

10:09, 22/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bão số 4 đã đi qua nhiều ngày, nhưng tại nhiều cánh đồng, nước vẫn chưa rút hết. Lúa ngậm nước, nảy mầm buộc nông dân hối hả thu hoạch, dù nhiều chỗ lúa vẫn còn xanh.

TIN LIÊN QUAN

Tại cánh đồng thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), những trà lúa muộn vẫn còn đứng đồng. Lúa bị ngập sâu trong nước nhiều ngày, hạt lúa bị một lớp bùn bao bọc, không còn vàng ươm như thường lệ. Vợ chồng anh Tuấn, đội 6, thôn Vạn An hai ngày nay vớt vát thành quả 3 tháng trời chăm sóc 2 sào ruộng, bằng cách cắt bông lúa nằm rạp trên mặt nước, để lên chiếc bàn kê cao hơn mặt nước.

"Đâu có gặt được mà phải vớt từng bông lúa, đưa lên bờ cao phơi cho ráo, mai mốt mới suốt", anh Tuấn cho biết. Vì đám ruộng ngập sâu, việc thuê mướn người thu hoạch cũng rất khó khăn, chẳng ai muốn nhận lời.

Người dân Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) thu hoạch lúa bị ngập úng sau bão.
Người dân Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) thu hoạch lúa bị ngập úng sau bão.


Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Tuấn, còn có nhiều hộ nông dân khác cũng đang lội nước vớt lúa, vì sợ để lâu lúa sẽ lên mầm. Họ chia sẻ nỗi khổ của nông dân khi canh tác trên cánh đồng này. Đó là, ba bên bốn phía là nhà dân, tôn nền cao ngút. Mương rạch không có, nước đâu còn chỗ mà thoát. Đã vậy, nước thải tràn ra ruộng, gây ô nhiễm. Khi lội nước vớt lúa về, từ gối trở xuống đỏ tấy, sưng đau...

Cánh đồng thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) nằm kẹp giữa hạ lưu sông Vệ và sông Vạn An. Khi mưa lũ thượng nguồn dồn về, nước sông tràn lên, gây ngập úng lúa và nhiều hoa màu khác đang thời kỳ chuẩn bị thu hoạch. Mưa đã dứt nhiều ngày, nhưng nước sông còn cao. Lúa vẫn nằm trong một vùng nước lớn.

Vì lúa đổ rạp, ruộng ngập nên việc thu hoạch  không thể dựa vào máy gặp đập, mà hoàn toàn bằng phương pháp thủ công từ cắt lúa, vác lên bờ, rồi suốt bằng máy đạp chân. Dù mất nhiều thời gian, công sức, làm tăng chi phí sản xuất, nhưng năng suất lúa lại sụt giảm đáng kể.

Ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) sau 6 ngày bão số 4 đi qua, nhưng những cánh đồng phía trên con đập Đức Lợi lúa vẫn còn ngập sâu trong nước. "Bèo trôi từ phía trên về gây ách tắc dòng chảy. Nước cứ thế dâng cao ngập hết cả lúa, hoa màu của dân. Mưa bão đã dứt nhiều ngày mà bông lúa vẫn chưa ló lên khỏi mặt nước", ông Lê Huấn, thôn An Mô cho biết.

Những người đàn ông trung niên trong thôn nóng ruột, không thể chờ nước tự rút. Họ đã kéo nhau ra đập, nhảy xuống nước để vớt bèo. Thế nhưng, chỉ được một lúc, rồi đâu lại vào đấy. Bèo lại trôi về chặn bít cửa xả. Trên đám ruộng cao nhất vùng thuộc thôn An Mô, chị Võ Thị Vũ cùng những người trong gia đình tranh thủ thu hoạch 3 sào ruộng. Sau nhiều ngày ngậm nước, lúa đã nảy mầm.

Theo nông dân thôn An Mô, con đập Đức Lợi có tổng vốn xây dựng hơn 66 tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2016, có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt cho 520 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Chánh và Đức Nhuận; đồng thời bảo vệ khu dân cư, tăng khả năng tiêu thoát lũ, kết hợp giao thông, cứu hộ, cứu nạn, neo đậu tàu thuyền mùa mưa bão của nhân dân trong khu vực.

Người dân thôn An Mô khi chưa có con đập Đức Lợi vững chãi, toàn bộ diện tích này không thể gieo sạ lúa. Thế nhưng, vụ đông xuân 2016, nhờ có con đập, nông dân nơi đây đã cải tạo đất, chuyển sang gieo sạ. Đất tốt, lúa đạt năng suất cao. Thế nhưng, niềm vui được mùa chưa tan thì vụ hè thu này, nhiều diện tích có nguy cơ bị mất mùa do bị ngập úng.

"Chúng tôi mong chính quyền hợp sức với nhân dân dọn dẹp khối lượng bèo quá lớn tại khu vực trước cửa đập, để phát huy khả năng tiêu thoát lũ của con đập. Việc ngập úng kéo dài trong những ngày qua, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa, hoa màu của dân An Mô chính là do đám bèo này", ông Lê Huấn kiến nghị.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.