Khai thác lợi thế để phát triển nông nghiệp

08:09, 06/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, những năm qua, huyện Trà Bồng và Tây Trà đã tập trung chỉ đạo thực hiện việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
 
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết: Trên cơ sở quy hoạch, huyện đã chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Huyện triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả khả quan.
 
Huyện tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi hơn 50ha đất vườn tạp sang trồng dừa xiêm, dứa, cau; trồng 10ha sầu riêng không hạt tại xã Trà Bình; triển khai mô hình trồng bưởi da xanh, cam sành, chuối... Hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm. 
 
Thiếu nữ Trà Bồng thu hoạch quế. Ảnh: ĐÌNH QUANG
Thiếu nữ Trà Bồng thu hoạch quế. Ảnh: ĐÌNH QUANG
Bên cạnh đó, huyện Trà Bồng và Tây Trà (cũ) tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế vừa và nhỏ, gia trại, trang trại và kinh tế nhóm hộ... Nhiều trang trại vườn - ao - chuồng - rừng được người dân đầu tư. Đến nay, trên địa bàn huyện có 21 trang trại nuôi heo công nghiệp quy mô từ 50 - 1.200 con; 26 trại gia cầm nuôi từ 1.200 - 3.000 con...
 
Từ nguồn vốn các chương trình, huyện Trà Bồng đã vận động nhân dân triển khai các dự án như sản xuất rau, củ quả tập trung tại xã Trà Tân. Dự án này triển khai trên diện tích 58.498m2, vốn đầu tư gần 11 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động ổn định từ tháng 8.2018. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ người dân thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm tập trung; duy trì mô hình gừng gió, nuôi dế sữa, làm nấm, trồng rau măng tây, chế biến tinh dầu quế...
 
Hướng đi mới
 
Theo ông Hoàng Anh Ngọc, bên cạnh các giống cây, con truyền thống, huyện cũng đưa một số vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao như bò lai BBB, Zebu; triển khai dự án trang trại chăn nuôi heo, bò kết hợp trồng cây lâu năm giá trị cao tại xã Trà Bình; dự án trang trại bò ngoại nhập công nghệ 4.0 của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trà Giang.  Các dự án sản xuất, chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị đang hình thành ở huyện Trà Bồng. Điển hình như dự án nuôi hươu sao lấy nhung, với số lượng ban đầu khoảng 60 con; các dự án liên kết chăn nuôi, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm heo bản địa, bò lai sinh sản...
 
Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện bảo hộ bản quyền các sản phẩm của địa phương như chỉ dẫn địa lý cũng được huyện Trà Bồng quan tâm thực hiện, với các sản phẩm quế, heo bản địa, gà kiến Trà Bồng... Cụ thể như, năm 2016, huyện Tây Trà (cũ) bố trí 300 triệu đồng hỗ trợ xã Trà Xinh, Trà Quân, Trà Nham thực hiện các mô hình trồng sâm cau, cây gấc, đinh lăng, thiên niên kiện, gừng gió, ớt xiêm; triển khai mô hình trồng cây Sasa Inchi, sâm 7 lá; thực hiện đề tài nghiên cứu thực nghiệm mô hình trồng và tiêu thụ tam thất...
 
Huyện Trà Bồng cũng chú trọng phát triển rừng qua việc vận động nhân dân trồng cây gỗ lớn như trồng 11ha lim xanh, 14ha sao đen. Trong phát triển rừng, huyện giao khoán việc quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân; chuyển 240ha rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang cây nguyên liệu gỗ lớn, góp phần nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng trên một đơn vị diện tích.
 
“Huyện đang chỉ đạo mỗi xã lựa chọn từ 1 - 2 cây, con chủ lực ưu tiên phát triển, tạo liên kết vùng để sản xuất ra lượng sản phẩm lớn, đồng nhất về chất lượng, tăng tính cạnh tranh mang lại hiệu quả cao theo Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm”, ông Ngọc cho biết.
 
Bảo tồn nguồn gen quế bản địa
 
Để phục hồi cây quế truyền thống, huyện Trà Bồng triển khai 3 dự án phát triển vùng chuyên canh cây quế, với việc hỗ trợ 11 triệu cây giống để trồng gần 2.000ha quế. Đến nay, tổng diện tích quế của huyện khoảng 5.240ha. Việc chú trọng chăm sóc quế đã đem lại năng suất từ 120 - 150 tấn/ha, cá biệt có nơi trên 200 tấn/ha, nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích từ 120 - 150 triệu đồng/ha. Huyện phối hợp với Sở NN&PTNT tuyển chọn 200 cây giống trồng 10ha quế giống Trà Bồng để bảo tồn và phát triển nguồn gen quế bản địa...
 
SÔNG THƯƠNG
 
 
 
 
 

.