Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn: Còn nhiều bất cập

08:09, 04/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được đánh giá có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được tính toán kỹ, để tiếp tục thực hiện trong thời gian đến.
Tính đến tháng 8.2020, Quảng Ngãi có 70 xã đạt chuẩn NTM và 1 huyện NTM (Nghĩa Hành); dự kiến đến hết năm 2020, có 89 xã NTM và 2 huyện NTM nữa là Tư Nghĩa và Lý Sơn. Nguồn ngân sách đầu tư trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM của tỉnh khoảng 642 tỷ đồng; trong đó, đầu tư cho cơ sở hạ tầng thương mại khoảng 3,8 tỷ đồng. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khá lớn, nhưng mức độ đạt tiêu chí nhóm này còn thấp. 
 
Chợ nông thôn xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Chợ nông thôn xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Quảng Ngãi hiện có 145 chợ đang hoạt động, với 100 chợ thuộc địa bàn xã. Mục tiêu phát triển mạng lưới chợ nông thôn là góp phần tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, tạo điều kiện cho thương nhân cung cấp hàng hóa thiết yếu, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, giúp xây dựng NTM bền vững. Tuy nhiên, quá trình xây dựng có không ít chợ chưa phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, dẫn đến khi hoàn thành, người dân không vào họp chợ, như chợ Ba Liên (Ba Tơ), Nghĩa Phương (Tư Nghĩa)... Hơn nữa, có tình trạng một địa phương nhưng lại có nhiều chợ như xã Bình Hải (Bình Sơn), dẫn đến chợ hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí.
 
Đối với vấn đề phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ vùng nông thôn, mặc dù chưa dành sự quan tâm thỏa đáng về vốn đầu tư từ ngân sách, nhưng đây được nhận định là hệ thống phân phối hàng hóa thuận tiện nhất hiện nay. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, Quảng Ngãi đã có 3 chợ phải đóng cửa kinh doanh theo yêu cầu phòng dịch, nhưng những mặt hàng thiết yếu vẫn đảm bảo nhờ hệ thống cửa hàng bán lẻ. Đó là chưa kể kênh bán hàng trực tuyến (online), giao hàng tận nhà hiện đang phát triển rất mạnh. Vì thế, việc xây dựng chợ ồ ạt theo quy định của tiêu chí NTM hiện cần phải xem lại, tránh lãng phí ngân sách.
 
Bên cạnh đó, việc tạo ra các sản phẩm địa phương thành sản phẩm hàng hóa đủ sức cạnh tranh từ Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) vẫn còn nhiều hạn chế. Tính đến nay, toàn tỉnh mới có 11 sản phẩm của các địa phương tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm. Trong đó, Mộ Đức có 8 sản phẩm, gồm: Nấm bào ngư, nấm linh chi, gạo Ấn Trà, mạch nha Kim Hồng, bánh tránh cuốn Huy Cường, nước mắm Phương Loan, nước mắm Đức Hải, nước mắm Phát Hải; Lý Sơn có 3 sản phẩm: Tỏi đen, mật ong tỏi, giấm tỏi Volcano. Hiện Quảng Ngãi mới tổ chức được 1 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 154 Phan Bội Châu (TP.Quảng Ngãi); đồng thời đang hoàn thành việc xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Mộ Đức. Hoạt động xúc tiến thương mại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hầu hết bị tạm dừng...
 
Bài, ảnh: THANH  NHỊ
 
 
 

.