Giảm lãi suất, kích cầu cho vay tiêu dùng

09:09, 14/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong bối cảnh tín dụng sản xuất khó tăng trưởng, nhiều ngân hàng đã dựa vào tín dụng tiêu dùng. So với những năm trước, lãi suất cho vay tiêu dùng đã giảm khá nhiều.
Lãi suất giảm “chạm đáy”
 
Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các ngân hàng liên tục hạ lãi suất, nhằm thu hút khách hàng vay vốn. Trong đó, nhiều ngân hàng đã tìm hướng đẩy vốn tín dụng thông qua cho vay bất động sản bằng nhiều gói vay mua nhà, với lãi suất hấp dẫn. Theo đó, lãi suất các gói mua nhà được điều chỉnh giảm 0,2 - 2%/năm đối với nhiều kỳ hạn khác nhau.
 
Tại Vietcombank, lãi suất được giảm từ 8,1%/năm xuống 7,7%/năm, với gói vay ưu đãi 12 tháng; còn tại BIDV, gói vay ưu đãi 12 tháng giảm từ 8%/năm xuống 7,8%/năm; gói vay ưu đãi 24 tháng được hạ lãi suất từ 9%/năm xuống 8,8%/năm... 
 
HDBank Quảng Ngãi đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
HDBank Quảng Ngãi đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Thị Phúc cho biết: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng tín dụng của tất cả các ngân hàng. Khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nhu cầu vay không có, vì sản xuất, kinh doanh ngưng trệ. Còn đối với khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng cũng khó khăn, vì nhu cầu chi tiêu giảm mạnh, nhất là ở lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn...
 
Trước những khó khăn trên, BIDV Quảng Ngãi cũng như nhiều ngân hàng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp để kích cầu như giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ. Đối với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được ngân hàng xem xét giãn nợ, cơ cấu lại nợ... Hiện mức lãi suất cho vay tiêu dùng được áp dụng tại nhiều ngân hàng cao nhất không quá 10%/năm đối với cho vay trung hạn, trong khi trước đây giao động từ 11 - 12%/năm, thậm chí có thời điểm lên đến 13%/năm.
 
Theo Giám đốc LienVietPostBank Dung Quất Lê Thanh Nghị, hiện lãi suất huy động và cho vay đều giảm đến mức "chạm đáy". Vì vậy, đây là thời điểm tốt để khách hàng vay tiêu dùng.
 
Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng 
 
Cho vay tiêu dùng thuộc lĩnh vực không ưu tiên, do vậy, đây là lĩnh vực luôn có mức lãi suất cao nhất trong các phân khúc cho vay. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến thu nhập, khả năng chi tiêu của người dân, nên Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của người dân trong những tháng cuối năm, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật...
 
Có thể thấy rằng, chưa có năm nào, việc điều hành giảm lãi suất ở cả hai chiều huy động và cho vay, cũng như các chính sách tiền tệ khác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại thay đổi liên tục như năm nay. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm khách hàng cũng được các ngân hàng chủ động  thay đổi phương thức tiếp cận, theo phương châm thay vì chờ khách hàng tìm đến, ngân hàng đã phân công cán bộ tín dụng đến tận các vùng nông thôn, miền núi để tìm kiếm khách hàng cho vay. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn đăng tải các gói vay ưu đãi trên các trang mạng xã hội hay phát tờ rơi... để khách hàng dễ dàng tiếp cận. Các thủ tục thẩm định, giải ngân cũng được ngân hàng giải quyết nhanh nhất.
 
Lãi suất giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua, cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn là cơ hội tốt để nhiều người vay vốn mua nhà, mua đất và tiêu dùng khác. Tuy nhiên, để đảm bảo không bị “sa lầy” trong nợ, người vay chỉ nên vay tối đa 50% giá trị ngôi nhà trong điều kiện thu nhập ổn định. Bên cạnh lãi suất, thì thời hạn của gói vay cũng là yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, người vay nên lựa chọn thời gian vay dài nhất có thể, để giảm trả số vốn gốc hằng tháng, giúp người vay vốn vừa dễ dàng thanh toán tiền vay cho ngân hàng, vừa có thể trang trải cuộc sống.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.