Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

09:09, 29/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, Quảng Ngãi đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và kiên định thực hiện bằng nhiều giải pháp khả thi, đồng bộ, cam kết "đồng hành cùng doanh nghiệp".
Kinh tế Quảng Ngãi những năm qua tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, tổng sản phẩm tăng đáng kể, các ngành, thành phần, vùng kinh tế đều phát triển khá ổn định. Để đạt được mục tiêu lớn này, Quảng Ngãi đã hoàn thiện cơ chế quản lý và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng đô thị và những ngành có lợi thế của tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện để nhà đầu tư tăng quy mô, mở rộng sản xuất, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn; có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất công nghệ cao, công trình về hạ tầng kỹ thuật, các dự án an sinh xã hội. 
 
Công nhân Nhà máy May Vinatex Dung Quất may khẩu trang xuất khẩu.
Công nhân Nhà máy May Vinatex Dung Quất may khẩu trang xuất khẩu.
 
Theo đó, tỉnh đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch và quản lý thực hiện đồng bộ các quy hoạch ngành với quy hoạch sử dụng đất; quản lý quy hoạch để bảo đảm tuân thủ thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; công khai quy hoạch để tổ chức, công dân dễ dàng tiếp cận và giám sát việc thực hiện. Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện có; sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới nhằm tạo sự thông thoáng, hấp dẫn trong thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN); chính sách bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích phát triển DN tư nhân, DN vừa và nhỏ...
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên: "Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh"
 
Thực hiện cam kết "Chính quyền đồng hành cùng DN", Quảng Ngãi đã triển khai quyết liệt các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế do tác động của dịch Covid-19. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản gây khó khăn cho DN.
 
Tỉnh thực hiện tái cơ cấu DN khu vực tư nhân, nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn, theo hướng đa dạng hóa về nguồn hàng, khách hàng và thị trường, đặc biệt là đối với DN thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như vận tải, du lịch, nông sản xuất khẩu... Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của ban chỉ đạo xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
 
Quảng Ngãi đã thành lập và đưa vào hoạt động Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn; tổ chức có chất lượng và hiệu quả các buổi đối thoại với DN và thường xuyên đổi mới Chương trình "Cà phê doanh nhân - Hỗ trợ khởi nghiệp". Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ; thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đồng bộ, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, bảo đảm phần lớn các giao dịch hành chính, cung cấp dịch vụ công, thông tin về cơ chế, chính sách được thực hiện qua mạng.
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Nguyễn Đức Huy: "Hỗ trợ kết nối cung cầu, gia nhập thị trường cho DN"
 
Mỗi năm, Sở Công thương đều xây dựng kế hoạch Hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm thông qua hội thảo, hội nghị và giới thiệu vào hệ thống các DN của ngành. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị; tạo mối liên kết giữa DN kinh doanh thương mại với nông dân để tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Qua đó, hàng chục DN trong tỉnh đã có thêm cơ hội mở rộng kênh phân phối hàng hóa, thúc đẩy sản xuất. Sở đã thực hiện cắt giảm đến 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện để DN sớm gia nhập thị trường.
 
Chúng tôi nhận thấy, DN đang rất cần hỗ trợ về dự báo thị trường. Vì thế, thời gian qua, Sở đã không ngừng kết nối với các Bộ và các tỉnh, thành phố thông tin cho DN về tình hình thông thương hàng hóa. Ngoài ra, Sở còn theo dõi chặt chẽ về thời điểm phát sinh hiệu lực của các hiệp định thương mại song phương, đa phương, giúp DN chủ động xây dựng kịch bản thị trường, tránh thiệt hại, rủi ro do thiếu thông tin; tập huấn kỹ năng bán hàng, kỹ năng tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu.
 
Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Lê Hoàng Anh Dũng: "Mong tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ để công ty cung ứng điện kịp thời, an toàn, chất lượng"
 
Từ nhiều nguồn lực, ngành điện đã nỗ lực đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo lưới điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện tốt vai trò tiên phong điện đi trước một bước, cung cấp điện kịp thời cho nhân dân và doanh nghiệp, góp phần cùng tỉnh thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Việc tiếp cận điện năng của DN hiện nay được cải tiến mạnh mẽ, thời gian giải quyết thủ tục cấp điện được giảm hơn một nửa so với quy định; chất lượng các dịch vụ điện, nhất là thanh toán tiền điện đã áp dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi, nhanh chóng.
 
Những năm qua, Công ty cũng luôn được tỉnh tạo điều kiện thực hiện tốt kế hoạch đề ra, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, cải tạo lưới điện. Quá trình triển khai dự án điện, được các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ thông qua vận động nhân dân trong giải phóng mặt bằng; tự nguyện chặt đốn cây cối, tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện; dùng điện tiết kiệm, an toàn. Thời gian đến, Công ty Điện lực Quảng Ngãi mong muốn tiếp tục được các cấp chính quyền tạo điều kiện trong hoạt động, nhất là thực hiện nhiệm vụ điện tiên phong đi trước, cấp điện đến chân hàng rào các KKT và các KCN của tỉnh, kịp thời giúp DN sớm đi vào sản xuất kinh doanh. 
 
Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Đinh Văn Chung: “Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ ngày đầu triển khai dự án”
 
Trong quá trình đầu tư dự án Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (DA) vào KKT Dung Quất, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi luôn đồng hành, hỗ trợ chúng tôi ngay từ những ngày đầu triển khai DA. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ chúng tôi, như lập những tổ công tác chuyên trách để hỗ trợ DA. Đồng thời, chỉ đạo huyện, xã song hành hỗ trợ về bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính. Đồng thời, sẵn sàng cùng với doanh nghiệp chúng tôi kiến nghị, đề nghị Trung ương, các bộ, ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN.
 
Thông thường, khi lựa chọn địa điểm đầu tư một DA, nhà đầu tư đều dựa vào một số tiêu chí cơ bản. Tuy nhiên, việc Hòa Phát lựa chọn Quảng Ngãi để đầu tư DA cũng là một “cái duyên”. Đồng thời, chúng tôi nhận định Quảng Ngãi có một số điều kiện quan trọng để đầu tư khu liên hợp gang thép. Đó là đã có một cơ sở hạ tầng đầu tư công nghiệp nặng, như có Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Doosan Vina và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đặc biệt là lợi thế về cảng nước sâu Dung Quất, nơi sẽ giúp Hòa Phát thuận lợi trong việc nhập nguyên liệu, cũng như xuất hàng cho khu liên hợp. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi có nguồn lao động dồi dào và cơ chế chính sách ưu đãi, thuận lợi về thủ tục hành chính, nên chúng tôi quyết tâm lựa chọn Quảng Ngãi để đầu tư DA.
 
 THANH NHỊ - PHẠM DANH
 (thực hiện)
 
 
 
 

.