(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều cá nhân đang tận dụng mạng xã hội để bán các loại giống cây ăn quả “độc, lạ” với những quảng cáo khá “đường mật” và giá cũng không hề rẻ. Song, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, hầu hết các giống cây này đều không nằm trong danh mục được phép kinh doanh.
Thời gian gần đây, khi tìm mua giống cây ăn quả, người dân như lạc vào “ma trận” trước nhiều giống cây “độc, lạ” được rao bán như: Mít ruột đỏ, xoài mặt trời, lựu Ấn Độ siêu to, mãng cầu Đài Loan siêu to, vú sữa hoàng kim, hồng táo... Dù có giá không hề rẻ, thường dao động từ 100 - 200 nghìn đồng/cây, nhưng phần vì tò mò, phần vì người bán thường quảng cáo rằng, đây là các loại cây rất dễ trồng, thích nghi với nhiều loại thời tiết và nhanh ra quả, nên nhiều người đã mua về trồng thử nghiệm.
Hình ảnh quả chuối đỏ xử lý qua photoshop cẩu thả được hầu hết các trang Facebook sử dụng để quảng cáo, bán cây giống chuối đỏ. |
Chia sẻ nỗi bức xúc sau khi mua phải giống cây kém chất lượng, chị Lục Thị Ánh Tuyết, ở TP.Quảng Ngãi, cho biết: “Tôi bỏ ra 200 nghìn đồng để mua 2 cây táo Thái Lan chiết cành sau khi được người bán giới thiệu rằng chỉ cần trồng 5 - 6 tháng là ra quả trĩu cành. Ấy thế mà đã hơn 1 năm trôi qua, dù cây phát triển rất tốt, nhưng không thấy đậu quả”.
Hoặc cùng một giống cây mít ruột đỏ với kích thước và giá tiền ngang nhau là 150 nghìn đồng, nhưng nếu như trang Facebook “Đại lý giống cây ăn quả Nghĩa Hành, Quảng Ngãi” quảng cáo rằng đây là loại cây cho quả sau 2 năm trồng, thì trang Facebook “Trung tâm cây giống Học viện Nông nghiệp 1” lại tư vấn với khách hàng rằng, loại cây này chỉ cần trồng 8 tháng là ra quả.
Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng về các sản phẩm “độc, lạ”, không chỉ các cơ sở kinh doanh giống cây trồng, các cá nhân bán giống cây trồng theo hình thức lưu động, mà ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, bày bán các giống cây ăn quả không rõ nguồn gốc xuất xứ. Từ những trang Facebook mập mờ, không có địa chỉ cụ thể cho đến nhiều cửa hàng online trên sàn thương mại điện tử uy tín như Lazada, Sendo... Nhiều trang, còn đặt tên trang theo tên của nhiều viện nghiên cứu, trung tâm giống uy tín và sử dụng hình ảnh đã qua photoshop để tạo sự tin tưởng và thu hút khách hàng.
Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi Phạm Bá khẳng định: Theo quy định tại Thông tư 17/2019 của Bộ NN&PTNT, danh mục loài cây trồng chính chỉ bao gồm: Lúa, bắp, cà phê, cam, bưởi, chuối. Đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu khi tổ chức, cá nhân thực hiện được việc tự công bố lưu hành giống cây trồng. Tuy nhiên, điều kiện để được công bố lưu hành là cây trồng phải có giá trị canh tác, giá trị sử dụng đạt tiêu chuẩn quốc gia và phải có thông tin về quy trình sản xuất. Do đó, những giống cây trồng “lạ” đang được bán tràn lan như sung Mỹ, mít, vú sữa hoàng kim... đều không thuộc danh mục được phép kinh doanh.
"Theo quy định của pháp luật, từ tháng 2.2020, trước khi mua bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc trực tiếp gửi qua đường bưu điện đến Sở NN&PTNT các thông tin về địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở; phải có hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng. Tuy nhiên, hầu hết các cá nhân kinh doanh giống cây trồng trên Internet hiện nay đều chưa thực hiện những yêu cầu trên", ông Bá cho biết thêm.
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN