Nan tre... ra biển

09:08, 31/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không đủ khả năng đóng tàu cá đắt tiền, ngư dân ở tổ dân phố (TDP) Trung Lý, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) dùng tre kết lại thành bó rồi đạp sóng vươn khơi. Đây là nghề "cha truyền con nối" từ bao đời nay ở vạn chài này.
Không vươn khơi bằng thuyền hay thúng, ngư dân ven biển tại TDP Trung Lý kết tre lại thành bó, rồi ngồi lên đấy để câu cá ven bờ. Để giữ cho bó tre luôn nổi lên mặt nước, ngư dân đặt các miếng xốp ở giữa, rồi chèn từ 5 - 6 thanh tre mỏng xung quanh. Với phương tiện vươn khơi độc đáo này, mỗi ngư dân chỉ tiêu tốn từ 1 - 2 cây tre là đã có ngay phương tiện mưu sinh. 
 
Lão ngư Nguyễn Yến, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) cùng với phương tiện vươn khơi độc đáo.
Lão ngư Nguyễn Yến, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) cùng với phương tiện vươn khơi độc đáo.
 
Kể về phương tiện đánh bắt cá độc đáo của làng chài, lão ngư Nguyễn Lượng, TDP  Trung Lý hào hứng bảo: "Các phương tiện đánh bắt khác thường nặng nề và cồng kềnh, chứ phương tiện đánh bắt của chúng tôi chỉ nặng 5 - 6kg, nên gọn nhẹ lắm. Vào thời ông cha tôi, mút xốp chưa phổ biến như bây giờ, thì mọi người bó 3 - 4 cây tre lại thành bè tre nhỏ để vươn khơi. Đến thời chúng tôi, thì mọi người mới bắt đầu sáng tạo, kết hợp tre với mút xốp để giảm bớt độ nặng của bè".
 
Theo các ngư dân làm nghề này, dù cái lợi của nghề là phương tiện đánh bắt khá đơn giản và dễ làm, nhưng để đi biển thành thục bằng phương tiện này lại không phải là chuyện giản đơn. Bởi bó tre luôn dập dềnh, chao đảo theo con sóng, nên ngư dân muốn "trụ vững" phải rất dày dạn sóng gió và giữ được thăng bằng để không bị té ngã. 
 
"Chúng tôi tập ngồi trên bó tre và giữ thăng bằng từ lúc 9 - 10 tuổi thì may ra đến lúc trưởng thành mới làm được nghề. Nhiều người tập mãi, nhưng vẫn không giữ thăng bằng được nên đành bỏ, không nối nghiệp được nghề của cha ông", ngư dân trẻ Nguyễn Quyên tâm sự.
 
Phương tiện đánh bắt thô sơ, không có chỗ để đựng ngư lưới cụ, nên ngư dân vừa phải căng mình giữ thăng bằng, vừa đeo giỏ đựng cá, mồi câu trên cổ, còn hai tay thì liên tục giữ lấy hai dây câu và chờ đợi cá đớp mồi.
 
Vươn khơi từ 5 giờ sáng, đến 7 giờ sáng thì về bờ. Suốt hai tiếng đồng hồ dập dềnh trên những con sóng bạc đầu cách bờ từ 1 - 1,5 hải lý, bình quân mỗi ngư dân câu được từ 3 - 5kg cá, trong đó, nhiều nhất là cá thuẫn - một loại cá có giá bán ra từ 50 - 60 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, bình quân mỗi ngày, mỗi ngư dân làm nghề này có thể kiếm được từ 150 - 300 nghìn đồng.
 
Là nghề "làm chơi ăn thật", nhưng do nguồn lợi thủy sản ven bờ tại Phổ Vinh đang dần cạn kiệt, nên dù là nghề truyền thống với sự tham gia của gần 30 ngư dân, nhưng hiện tại, số lượng ngư dân địa phương còn giữ lấy nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
 
"Ngày trước, leo lên bè tre ra biển 2 - 3 tiếng đồng hồ là câu ít nhất cũng được mươi ký cá. Còn giờ, một bữa cao lắm cũng chỉ câu được cỡ 5kg thôi. Biển không còn "đãi" nghề, nên chúng tôi chỉ coi nó như phương tiện để kiếm tiền chợ hằng ngày. Còn lại, phải bám thêm vào nghề nông, trồng đủ thứ từ mè, đậu phụng... làm sinh kế lâu dài", ông Nguyễn Yến, người gắn bó hơn 30 năm với nghề câu độc đáo này trầm ngâm...
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 

.