Bồi hoàn đa dạng sinh học cho biển

03:08, 02/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Lý Sơn vừa đề xuất chương trình bảo tồn gen các loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa tại huyện Lý Sơn. Đây là giải pháp nhằm cứu những sinh vật biển đang dần biến mất trước sự khai thác quá mức của con người.
Trai tai tượng nằm trong danh mục các loài quý hiếm, phân bố hẹp và không phải là đối tượng khai thác, nhưng hiện lại được bán ở các cửa hàng ẩm thực tại huyện đảo Lý Sơn. “Tôi khá bất ngờ khi trai tai tượng được nhiều nhà hàng, quán ăn tại Lý Sơn bày bán với giá chỉ từ 100 - 120 nghìn đồng/kg”, du khách Nguyễn Cao cho biết. 
 
Khai thác quá mức hải sản ven bờ khiến nhiều sinh vật biển đặc trưng của Lý Sơn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Khai thác quá mức hải sản ven bờ khiến nhiều sinh vật biển đặc trưng của Lý Sơn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo nhiều ngư dân địa phương, trai tai tượng là sinh vật biển đặc trưng của Lý Sơn, thường sống bám vào các bờ đá hoặc rạn san hô. Khoảng 10 năm trước, chỉ cần ra cách bờ chưa đầy 1 hải lý là ngư dân có thể bắt được từ 2 - 3kg trai tai tượng, nhưng 3 năm trở lại đây, số lượng trai tai tượng không còn nhiều.
 
Không chỉ riêng trai tai tượng, mà cua dẹp - một loài sinh vật biển đặc trưng tại đảo Lý Sơn, từ chỗ nhiều vô kể và có giá chỉ vài chục nghìn đồng một ký, thì đến nay, giá cua dẹp đã tăng từ 7 - 10 lần so với cách đây 5 năm, hiện ở mức 700 - 800 nghìn đồng/kg. Giá cua ngày càng đắt đỏ, khiến loài sinh vật biển bản địa này đứng trước nguy cơ cạn kiệt, vì bị săn lùng ráo riết.
Năm 2019, Lý Sơn đón gần 265 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp 60 lần so với năm 2010. Sự bùng nổ của du lịch tại huyện đảo đã dẫn đến hệ lụy sử dụng quá mức nguồn hải sản của địa phương. "Để bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, trả lại đa dạng sinh học vốn có, Lý Sơn rất cần sự chung tay của ngư dân lẫn du khách trong việc không tiêu thụ, khai thác các loại thủy sản đang dần cạn kiệt", Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Huỳnh Ngọc Dũng đề nghị.

Trước thực trạng này, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã đề xuất một chương trình bảo tồn gen loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa cấp tỉnh tại huyện đảo Lý Sơn. Theo Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Huỳnh Ngọc Dũng, 5 loài mà BQL đề xuất bảo tồn (hải sâm, bào ngư, tôm hùm đá nhiệt đới, trai tai tượng và rong biển đỏ) đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác hàng loạt trong những năm gần đây. Việc bảo tồn sẽ được thực hiện bằng phương pháp bảo tồn tại chỗ, ứng dụng tạo giống và nuôi thành phẩm giúp lưu giữ lại nguồn gen quý hiếm, góp phần phát triển nguồn gen phục vụ sản xuất.

 
Bên cạnh đó, việc điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển, khai thác bền vững cua dẹp tại huyện đảo Lý Sơn cũng đang được địa phương tích cực triển khai. Hiện, địa phương đang tiến hành điều tra, xác định khu vực sinh sống chủ yếu của cua dẹp tại Lý Sơn để thực hiện cắm mốc, bảo vệ môi trường sống tự nhiên cho cua dẹp. Đây được xem là giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi cua dẹp đang bị người dân địa phương khai thác theo kiểu tận diệt trong thời gian gần đây và có xu hướng tuyệt chủng.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 

.