Tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp

02:07, 05/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn, cộng với nguồn lao động tương đối dồi dào là thế mạnh để thu hút các dự án (DA) ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua việc thu hút DA đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.
Nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT) trên địa bàn tỉnh, sắp tới UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
 Phát huy thế mạnh
 
Với diện tích đất nông nghiệp khá lớn, cộng với điều kiện về tưới tiêu, canh tác cây trồng khá thuận lợi, huyện Mộ Đức không chỉ là vựa lúa lớn nhất của tỉnh, mà còn hội đủ các điều kiện thuận lợi để thu hút DA đầu tư phát triển ngành nông nghiệp.  
Dự án trồng rau sạch tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe.
Dự án trồng rau sạch tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe.
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hút được 25 DA đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.800 tỷ đồng, trong đó có 17 DA đã có quyết định chủ trương đầu tư. Có 3/17 DA đã được giao đất đang tiến hành triển khai hoạt động đầu tư. Điển hình là DA Khu sản xuất chế biến thức ăn và Chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao Vinamilk (Trang trại bò sữa Vinamilk) Quảng Ngãi, do Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án này được xây dựng, triển khai trên diện tích 90ha, tại xã Đức Phú và Đức Hòa; quy mô nuôi 4.000 con bò sữa, sản xuất khoảng 20 triệu lít sữa bò tươi nguyên liệu mỗi năm, với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng.
 
“Đến nay, DA đã triển khai đạt 95% khối lượng, hiện đang triển khai trồng cây bắp sinh khối để đem ủ và dự trữ nguồn thức ăn cho bò; dự kiến trong tháng 7 - 8 tới sẽ nhập bò về. Huyện xác định cần phải xuống giống khoảng 200ha bắp để phục vụ DA. Với mỗi hécta trồng bắp, nông dân sẽ thu về khoảng 60 triệu đồng, nên chỉ mỗi việc trồng bắp cũng đã mang lại thu nhập khá cho người dân. 
 
Riêng các hợp tác xã trên địa bàn huyện, ngoài việc liên kết xã viên trồng bắp còn tham gia nuôi bò để cung cấp cho nhà máy. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ sữa và sản phẩm phụ trợ phục vụ cho việc chăn nuôi bò sữa. Qua đó, tạo sinh kế cho nông dân huyện Mộ Đức và các huyện lân cận”, ông Phạm Ngọc Lân nhận định.
 
Không chỉ DA Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, thời gian qua, huyện Mộ Đức còn thu hút được một số DA nông nghiệp hữu cơ, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của huyện. Điển hình như DA đầu tư công nghệ sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo công thức SUZUKI, do Tập đoàn Trần Việt phối hợp với Hiệp hội Savior Japan triển khai. Hay DA đầu tư trồng tỏi voi và sản phẩm phân hữu cơ ở huyện Mộ Đức, do Công ty Sản phẩm hữu cơ Shirataki Bio Sangyo (Nhật Bản) đầu tư...
 
Doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản
 
Đến nay, trên địa bàn Quảng Ngãi có 40 DA đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đầu tư 2.083 tỷ đồng được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận/quyết định chủ trương đầu tư vào lĩnh vực NNNT thực hiện tại 9 huyện, thành phố của tỉnh. Trong đó, có 14 DA đã hoàn thành đi vào hoạt động, 26 DA đang triển khai các thủ tục có liên quan.
 
Rào cản đối với doanh nghiệp, cũng như nguyên nhân chính dẫn đến việc một số DA thực hiện không đúng tiến độ là do vướng mắc thủ tục về đất đai (bồi thường, giải phóng mặt bằng; thỏa thuận bồi thường; đơn giá bồi thường; các quy định của pháp luật còn chồng chéo; vấn đề đất công, tài sản công...). Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay tổ chức tín dụng khó khăn; thị trường đầu ra của sản phẩm chưa ổn định. Đó cũng là những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, quy mô nhỏ.
 
Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh về chính sách kêu gọi, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tìm hiểu, khảo sát và đầu tư vào lĩnh vực NNNT, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này của tỉnh vẫn chưa được như mong muốn. Việc thực hiện thỏa thuận, bồi thường theo Luật Đất đai năm 2013 còn gặp nhiều vướng mắc do những quy định của pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ. 
 
Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng còn khó khăn. Sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền các địa phương đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực NNNT cũng chưa kịp thời. Đó cũng chính là những khó khăn, trở ngại cần tiếp tục được tỉnh và các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ trong thời gian tới, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
 
Bài, ảnh: PHẠM VINH
 
 
 

.