Sản xuất vụ hè thu 2020: Căng thẳng nước tưới

05:07, 03/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Do nắng nóng kéo dài, hàng loạt hồ chứa xuống mực nước chết, nên nguồn nước tưới phục vụ sản xuất hè thu đang hết sức căng thẳng.
Oằn mình vì hạn
 
Những ngày này, về xã Bình Mỹ (Bình Sơn), nhìn đâu cũng thấy ruộng đồng khô khốc. Nắng hạn đã làm cho hàng chục hécta lúa hè thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh khô quéo, mặt ruộng nứt toác. Không còn nguồn nước, người dân đành cắt lúa về cho bò ăn. Ông Nguyễn Sơn, thôn Phước Tích, xã Bình Mỹ chia sẻ: Gia đình tôi có 5 sào ruộng hưởng nước trực tiếp từ hồ chứa nước Phước Tích. Thế nhưng, mới sạ được 1 tháng nước đã cạn khô. Hơn 2 triệu đồng đổ xuống giờ coi như mất trắng. Khổ nhất là không biết lấy rơm đâu làm thức ăn dự trữ cho 4 con bò trong mùa mưa tới. 
Thiếu nước sản xuất, người dân xã Bình Mỹ (Bình Sơn) đành cắt lúa về cho bò ăn.
Thiếu nước sản xuất, người dân xã Bình Mỹ (Bình Sơn) đành cắt lúa về cho bò ăn.
Hiện Bình Mỹ có hơn 80ha lúa bị thiếu nước tưới, trong đó khoảng 20ha đã chết khô được người dân cắt về cho bò ăn. Số diện tích còn lại đang héo úa, vì thiếu nước. Để cứu lúa, trong hai tuần qua, UBND xã Bình Mỹ đã đưa 3 máy bơm hút nước từ sông Trà Bồng lên chống hạn. Tuy nhiên, do đường ống xa, khả năng đưa nước về đồng ruộng cũng mất nhiều thời gian hơn. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Trần Quang Hà cho biết: Mặc dù đã có những phương án chủ động từ đầu vụ. Tuy nhiên, do mực nước ở hồ chứa xuống quá nhanh, trong đó hồ Phước Tích đã khô nước, nhưng không có nguồn nước nào có thể thay thế chống hạn, nên bị thiệt hại nặng. Còn hơn 60ha lúa ở các xứ đồng bị thiếu nước, xã đang tập trung sử dụng máy bơm chống hạn. Song, nửa tháng nữa mà trời vẫn không mưa thì sẽ khó cứu được diện tích lúa còn lại.
 
Không chỉ ruộng lúa, hàng trăm hécta hoa màu cũng tóp đi vì nắng; nước sinh hoạt cũng đang dần cạn kiệt. Để có nước dùng, người dân xã Bình Mỹ đã phải khoan giếng sâu hơn bình thường 5 - 7m để tìm mạch nước ngầm.
Toàn tỉnh hiện có 754 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, với tổng năng lực tưới thiết kế 90.466ha, nhưng năng lực tưới thực tế chỉ có 59.983ha, đạt 66,3% so với năng lực thiết kế. Trong đó, có 123 hồ chứa nước, dung tích nước hiện còn khoảng 41% so với thiết kế, hàng chục hồ đã khô tận đáy, mất năng lực tưới hoàn toàn.
Tập trung các giải pháp chống hạn
 
Tại xã Bình Minh (Bình Sơn), hơn một tháng qua, địa phương này cũng đã huy động hai máy bơm hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhằm đảm bảo nước tưới cho trên 30ha lúa bị thiếu nước. Theo lãnh đạo UBND xã Bình Minh, nếu tính toán giữa dùng kinh phí chống hạn để mua gạo thì sẽ hiệu quả hơn là chạy nước cứu lúa. Tuy nhiên, điều quan trọng chính là việc chống hạn không chỉ có nước tưới cho lúa, mà còn tạo ra mạch nước ngầm để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho gia súc. Chính vì vậy, bên cạnh nguồn kinh phí của xã, huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí để địa phương thực hiện các giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn.
 
Thị xã Đức Phổ là địa phương chịu tác động của hạn lớn nhất tỉnh trong vụ hè thu năm nay. Do đó, ngay từ đầu vụ, địa phương này đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, kiên quyết không gieo sạ với những diện tích thiếu nước cũng như thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn.
 
Trưởng phòng NN&PTNT TX.Đức Phổ Nguyễn Tấn Lái cho hay: Vụ hè thu 2020, thị xã thực hiện gieo sạ 3.500ha lúa, giảm khoảng 1.000ha so với vụ trước. Hiện tại mực nước ở các hồ đập đã xuống thấp, nhưng vẫn đảm bảo được lượng nước tưới. Tuy nhiên, trước tình trạng nắng nóng kéo dài, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các đơn vị áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm, luân phiên...
 
Theo dự báo, tình trạng nắng nóng vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Vì vậy, đối với các vùng được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước Thạch Nham phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa kênh mương, để tránh thất thoát nguồn nước. Đồng thời, cũng cần phải chủ động trong việc điều tiết nước, sử dụng nước một cách tiết kiệm, hiệu quả.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 
 
 

.