Buộc đất cằn nảy mầm tươi xanh

09:06, 30/06/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Đã gần 35 năm lên vùng kinh tế mới, chàng thanh niên cường tráng ngày nào giờ tóc đã muối tiêu, sức khỏe kém đi nhiều. Nhưng bù lại, mảnh đất cằn cỗi thuở hàn vi, qua bàn tay chăm sóc của ông, nay đã chịu nảy những chồi mầm tươi xanh.
Sinh ra ở vùng quê ven sông Trà thuộc thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà, năm 1987, theo tiếng gọi từ vùng kinh tế mới, ông Trần Đình Xuân, lúc ấy ngoài 30 tuổi đã đưa gia đình lên vùng Bàn Cờ, thuộc thôn Đông Hòa, xã Tịnh Giang để lập nghiệp. Thời gian đầu ông Xuân được cấp cho 1ha đất đồi để sinh cơ, lập nghiệp.
 
Buổi đầu với bao khó khăn, nhưng bù lại, ông Xuân có sự nhẫn nại khó ai sánh được, cùng niềm đam mê bắt sỏi đá biến thành cơm gạo. Ông đã ra sức phát dọn, cày cuốc chăm chỉ, mảnh đất cằn cổi, đồi dốc, dần biến thành bằng phẳng, ngay ngắn.
 
Rừng keo mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm của gia đình ông Trần Đình Xuân
Rừng keo mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm của gia đình ông Trần Đình Xuân
 
Thời gian đầu ông chủ yếu trồng mía, trồng khoai, trồng mì và chăn nuôi gà. Qua vài mùa vụ, mảnh đất nơi đây đã nảy mầm xanh tốt tươi và cho sản phẩm. Không chịu dừng lại ở đó, ông Xuân bắt đầu mua thêm đất đồi và mở rộng từ 1ha lên 3ha và qua gần 35 năm ông đã có 5ha đất đồi.
 
Qua bao sự đổi thay, mảnh đất này được ông hình thành nên trang trại tổng hợp với nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như: Trồng keo lai, trồng mía, trồng lúa, trồng dưa hấu, trồng ớt, trồng lang, trồng mì; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...
 
Nhờ có sự mát tay của ông, mà nông sản nào làm ra có giá và tiêu thụ tốt. Thời điểm ông còn ký hợp đồng với Công ty Đường Quảng Ngãi để trồng mía, mỗi vụ ông thu về hàng trăm triệu đồng. Hay những năm dưa hấu có giá, ông cũng thu về nguồn lãi hàng chục triệu đồng. Hiện rừng keo lai mang về thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
 
Tận dụng bóng mát của rừng keo, ông Xuân còn nuôi khoảng 300 con gà thả đồi, loại gà thịt dai, thơm ngon luôn được nhiều người ưa chuộng. Đàn gà mỗi năm cũng mang về hơn 50 triệu đồng. Làm nông nhưng không để mình tụt hậu, ông Xuân mạnh dạn sắm máy móc, đưa cơ giới hóa vào sản xuất như máy băm đất để giảm công lao động, hiệu quả sản xuất đạt cao.
 
Tận dụng bóng mát của rừng keo, ông Xuân còn phát triển đàn gà với chất lượng thịt dai, thơm được nhiều người ưa chuộng
Tận dụng bóng mát của rừng keo, ông Xuân còn phát triển đàn gà với chất lượng thịt dai, thơm được nhiều người ưa chuộng
 
Nói về động lực để làm kinh tế, ông Trần Đình Xuân trải lòng: "Tôi rất yêu mảnh đất này và luôn mong muốn biến nó thành cơm. Do đó tôi luôn nghiên cứu, học hỏi cách sản xuất, trồng trọt vừa phù hợp với sức lao động của gia đình, vừa đáp ứng thị trường. Phương pháp của tôi là lấy ngắn, nuôi dài, biết chăm sóc cây trồng, vật nuôi có khoa học, nhờ vậy mà tôi đã thành công".
 
Thấm thoắt đã gần 35 năm kể từ khi lên vùng kinh tế mới, khu đồi cằn cỗi, không bóng người giờ đây màu xanh phủ mát cả khu đồi.  Ông Trần Đình Xuân nay cũng lên chức ông nội, ông ngoại. Ông có 8 người con, nhờ được ông nuôi dưỡng, cho ăn học đàng hoàng nên ai cũng có gia đình, có công ăn việc làm tử tế.
 
Ngoài làm kinh tế, ông Trần Đình Xuân còn là Chi hội trưởng Chi hội nông dân nhiệt tình, sáng tạo, uy tín. Ông luôn tìm cách giúp hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả. Ngoài phụ trách các tổ vay vốn giúp nông dân vay các nguồn vốn, ông còn đứng ra tín chấp để giúp nông dân mua phân bón trả chậm, yên tâm đầu tư sản xuất, không phải vay nóng ở bên ngoài.
 
Mô hình phân bón trả chậm do ông Xuân phát động đã giúp nhiều gia đình nông dân có điều kiện làm ăn
Mô hình phân bón trả chậm do ông Xuân phát động đã giúp nhiều gia đình nông dân có điều kiện làm ăn
 
Hàng năm, mô hình phân bón trả chậm của ông thu hút khoảng 30 hội viên tham gia đăng ký lấy hơn 20 tấn phân bón trả chậm để chăm sóc các loại cây trồng như dưa, ớt, rau, đậu các loại.
 
Ông Trần Độ, một hội viên tham gia mô hình mua phân bón trả chậm cho biết:" Năm nào, cứ vào vụ là tôi lấy vài chục bao phân có giá vài triệu đến vài chục triệu đồng. Nhưng đến lúc thu hoạch tôi mới thanh toán tiền nên tôi thấy rất thoải mái. Giá phân so với thị trường cũng không cao hơn nên nhờ đó tôi có chỗ dựa để làm ăn, đời sống khá hơn. Cũng nhờ anh Xuân tạo điều kiện nên bà con nông dân mới có điều kiện vậy"
 
Sau hơn nửa đời người lao động miệt mài, ông Xuân nay vóc dáng đã hao gầy, sức khỏe chẳng thể giữ như thời mới lên khai phá vùng đất cằn năm xưa. Nhưng tính cách niềm nở, chan hòa, yêu lao động và sống tình cảm của ông thì đi mãi cùng năm tháng. Sự kiên trì và cách làm thông minh của ông Xuân cuối cùng cũng buộc đất cằn phải nảy mầm tươi xanh…
 
Bài, ảnh: T.Phương- Phượng Cúc
 
 

 


.