(Báo Quảng Ngãi)- Giữa tháng 6.2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi công văn kiến nghị Bộ NN&PTNT về việc Ban quản lý (BQL) cảng cá tại một số tỉnh (trong đó có Quảng Ngãi) “làm khó” doanh nghiệp (DN) khi làm thủ tục cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy S/C). Tuy nhiên, BQL cảng cá tỉnh và nhiều DN thủy sản đã bác bỏ kiến nghị này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại công văn 82/2020/CV-VASEP về việc một số BQL cảng cá yêu cầu khống chế số lượng nguyên liệu trên giấy xác nhận S/C bất hợp lý, VASEP cho rằng: “Thời gian gần đây, một số BQL Cảng cá ở một số tỉnh như Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định... đã yêu cầu các DN tách lượng nguyên liệu thu mua xin cấp giấy S/C để không vượt quá 36 tấn nguyên liệu/giấy. Nhiều trường hợp, lượng hải sản DN mua trong 1 lần tại một nơi được khoảng 40 tấn, nhưng không được đăng ký như quy định tại Thông tư 118/2018, mà phải tách làm 2 giấy S/C, một giấy 36 tấn và giấy kia là số còn lại khoảng 4 tấn”.
Từ năm 2019 đến nay, Ban Quản lý cảng cá Tịnh Kỳ đã thẩm định, xác nhận nguồn gốc cho gần 2.000 tấn nguyên liệu thủy sản. Ảnh: Ý THU |
Theo VASEP, Thông tư 118/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản quy định cách tính phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản như sau: “150.000đồng + (Số tấn x 15.000đồng/tấn). Tối đa không quá 700 nghìn đồng/lần”. Do đó, BQL Cảng cá một số tỉnh đã yêu cầu DN tách lượng nguyên liệu xin cấp giấy S/C không vượt 36 tấn, để phí cấp S/C không vượt quá 700 nghìn đồng/lần mà Thông tư 118 đề cập. Ngoài ra, VASEP cũng cho rằng, với yêu cầu như trên từ một số cảng cá, dẫn đến việc DN buộc phải làm thêm nhiều bộ hồ sơ xin xác nhận giấy S/C, đồng nghĩa với việc phải chịu thêm chi phí xin cấp giấy S/C.
Theo thống kê của BQL các Cảng cá tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, 4 cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản trên địa bàn tỉnh là Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á đã cấp và xác nhận 317 giấy S/C, với tổng sản lượng 11.527 tấn. Sản lượng nguyên liệu thủy sản bình quân mà các cảng cá xác nhận cho mỗi giấy S/C là 36,3 tấn. Trong đó, có những giấy S/C có sản lượng nguyên liệu lên đến 75 tấn, nhưng vẫn được các cảng cá áp dụng tính phí thẩm định xác nhận nguồn gốc thủy sản không vượt quá 700 nghìn đồng/giấy. |
Trước nội dung mà VASEP kiến nghị, các DN thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, thông tin về việc BQL yêu cầu tách sản lượng nguyên liệu là chưa chính xác. “Từ trước đến nay, DN chúng tôi chưa từng nghe thông tin về việc BQL các cảng cá tỉnh yêu cầu tách sản lượng nguyên liệu. Mọi thủ tục liên quan đến thẩm định, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản vẫn diễn ra bình thường, cách tính phí được áp dụng theo Thông tư 118, chứ không hề có chuyện tách sản lượng khi sản lượng nguyên liệu vượt quá 36 tấn”, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Tấn Thành (KCN Quảng Phú) Nguyễn Tấn Lộc cho biết.
Theo khẳng định của Giám đốc BQL các Cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn (đơn vị trực tiếp thực hiện Thông tư 118 của Bộ Tài chính), trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, BQL không có bất cứ văn bản nào thông báo đến DN về việc tách khối lượng nguyên liệu trên giấy S/C; cũng không có giấy S/C nào đã yêu cầu tách khối lượng và không có DN nào bị yêu cầu tách khối lượng trên giấy S/C. Do vậy, nội dung phản ánh của VASEP tại công văn 82 là không có cơ sở.
Cũng theo ông Sơn, từ trước đến nay, khi thu phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác, BQL vẫn tuân thủ theo Thông tư 118, nghĩa là, dù sản lượng hải sản vượt quá 36 tấn, đơn vị vẫn tính phí xác nhận S/C không quá 700 nghìn đồng.
Ý THU