(Báo Quảng Ngãi)- Gần 10 năm, kể từ khi Nghiệp đoàn Nghề cá (NĐNC) đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh, mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phương thức hoạt động. Nhiều NĐNC không “giữ chân” được ngư dân và đang loay hoay tìm cách đổi mới.
Dần trầm lắng
Sau 8 năm thành lập, NĐNC phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) đã phát triển được 1.700 đoàn viên, với 159 tàu cá đánh bắt xa bờ. Đây cũng là nghiệp đoàn có đội tàu hoạt động đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh. Song, theo Phó Chủ tịch NĐNC phường Phổ Quang Võ Xuân Cẩm, nếu như từ năm 2015 - 2017, ngư dân địa phương hăng hái tham gia và đồng tình hưởng ứng các hoạt động của nghiệp đoàn, thì từ năm 2018 đến nay, ngư dân không còn mặn mà với NĐNC.
Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) Võ Xuân Cẩm (bên trái) thăm hỏi đời sống của đoàn viên tại địa phương. |
Rõ nét nhất là, nếu như những năm trước, ngư dân đều thống nhất đóng góp 150 nghìn đồng/người/năm và bình quân mỗi năm, ngư dân đều đóng góp từ 170 - 180 triệu đồng tiền đoàn phí để dùng làm nguồn quỹ tương trợ lẫn nhau, thì đến năm 2019, các đoàn viên chỉ nộp hơn 30 triệu đồng. Còn từ năm 2020 đến nay, NĐNC Phổ Quang vẫn chưa thu được đoàn phí.
Theo chia sẻ của nhiều chủ tàu tại Phổ Quang, sau một thời gian tham gia NĐNC, ngoài việc đóng đoàn phí để xây dựng nguồn quỹ, dùng để tương trợ lẫn nhau khi đoàn viên và thân nhân đoàn viên ốm đau, tai nạn, hoặc khi tàu gặp nạn trên biển, thì ngư dân chưa thấy thêm lợi ích mà NĐNC mang lại. Nguyện vọng, kiến nghị của ngư dân liên quan đến cơ chế, chính sách về tài chính cho nghiệp đoàn, về hỗ trợ phương tiện đánh bắt, NĐNC đảm nhận thu mua hải sản trên biển... đều chưa thực hiện được.
Tại xã Bình Châu (Bình Sơn), số lượng đoàn viên tham gia NĐNC không tăng mà có xu hướng giảm dần. Phó Chủ tịch NĐNC xã Bình Châu Bùi Hồng Vân cho biết: NĐNC xã Bình Châu thành lập vào năm 2012, với 233 đoàn viên. Đến năm 2015, số đoàn viên NĐNC lên đến 1.100 người. Tuy nhiên, từ năm 2016, số lượng đoàn viên tham gia nghiệp đoàn dần giảm sút, đến nay chỉ còn khoảng hơn 700 đoàn viên.
Cần được trợ lực
Theo rà soát, đánh giá của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 13 NĐNC, với 6.749 đoàn viên, 734 tàu cá. Các NĐNC ra đời đã trở thành tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đã tập hợp, liên kết ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ; vận động đoàn viên ra khơi theo tổ để nương tựa, bảo vệ lẫn nhau trước thiên tai, địch họa trên biển...
Gần 10 năm qua, để hỗ trợ các NĐNC phát triển, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng cùng các tổ chức, cá nhân kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt thủy, hải sản bị thiên tai, địch họa trên biển; lắp đặt 12 bộ thiết bị trạm bờ cho 12 NĐNC trong tỉnh... Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều cán bộ NĐNC cùng ngư dân, những hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn cho các NĐNC vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân. Công tác hỗ trợ ngư dân của NĐNC mới chủ yếu dừng lại ở việc kêu gọi, vận động và kết nối tấm lòng của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cho ngư dân, phương tiện không may gặp rủi ro, hoạn nạn. Còn các giải pháp gắn kết, phát triển kinh tế cho thành viên NĐNC thì vẫn chưa được trợ lực.
“Nhìn chung, từ ngày thành lập đến nay, các NĐNC đã phát huy vai trò, tổ chức được nhiều hoạt động, phong trào mang lại lợi ích thiết thực cho ngư dân. Tuy nhiên, qua hoạt động, NĐNC còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, chỉ mới tập trung ở việc hỗ trợ trước mắt, chưa có hướng phát triển bền vững, lâu dài. Nguyên nhân là vì chưa có cơ chế, chính sách về tài chính, cũng như hướng dẫn chuyên môn cụ thể cho hoạt động của NĐNC. Trong khi đó, những hỗ trợ cần thiết cho ban chấp hành, phương tiện làm việc cho hoạt động nghiệp đoàn không đảm bảo, đã tác động trực tiếp đến việc đảm bảo duy trì, phát triển của NĐNC”, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công (LĐLĐ tỉnh) Bùi Quang Tuyến cho biết.
Bài, ảnh: Ý THU