Cần điều chỉnh giá cước vận tải

03:07, 13/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giá nhiên liệu hiện nay tuy đã tăng trở lại, nhưng so với tháng 1.2020 vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, giá cước vận tải hành khách vẫn giữ nguyên suốt thời gian qua, khiến người sử dụng dịch vụ bị thiệt thòi.
 
Việc kê khai giá cước vận tải là nhằm đảm bảo công tác quản lý vận tải nói chung và quyền lợi của người dân khi sử dụng dịch vụ, nhất là vận tải hành khách. Tuy nhiên, hiện nay giá cước vận tải đường bộ, đường thủy trên địa bàn tỉnh vẫn giữ nguyên như giá kê khai vào tháng 1.2020.
 
Vào tháng 1.2020, các doanh nghiệp (DN) kê khai giá cước theo giá xăng RON92 là 20.230 đồng/lít, RON 95 là 21.320 đồng/lít, dầu diesel là 17.170 đồng/lít. Trong khi hiện nay, giá xăng RON92 là 14.258 đồng/lít, xăng RON95-III 14.973 đồng/lít và dầu diesel 12.114 đồng/lít. Như vậy, so với thời điểm kê khai giá cước, giá nhiên liệu đã giảm rất lớn. 
Dù giá nhiên liệu giảm sâu, nhưng giá cước vận tải đường thủy vẫn chưa điều chỉnh là bất hợp lý.
Dù giá nhiên liệu giảm sâu, nhưng giá cước vận tải đường thủy vẫn chưa điều chỉnh là bất hợp lý.
Ghi nhận tại các hãng xe khách cho thấy, hiện cước vận tải hành khách vẫn không có gì thay đổi so với thời điểm kê khai (ngoại trừ các ngày cao điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán). Theo đó, hãng xe Chín Nghĩa áp dụng bảng giá, tùy theo cự ly di chuyển, cho các tuyến thấp nhất là 240 nghìn đồng và cao nhất là 400 nghìn đồng/giường/người. Đối với xe Limousine, thấp nhất là 490 nghìn đồng và cao nhất là 550 nghìn đồng/người/giường.
 
Đối với hãng xe Bình Tâm, giá cước đang áp dụng thấp nhất là 270 đồng và cao nhất là 300 nghìn đồng/người/giường đối với tuyến Quảng Ngãi - TP.Hồ Chí Minh và ngược lại. Tương tự, các hãng xe khác như Hoàng Huy, Thanh Thủy, Thuận Tâm... giá cước vẫn giữ nguyên như thời điểm kê khai.
 
Trong khi đó, tuyến vận tải đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại giá cước vận tải giữ nguyên so với thời điểm kê khai đối với các tàu cao tốc có thời gian chạy 35 phút là 178 nghìn đồng/người/ghế.
 
Giá nhiên liệu là yếu tố căn bản cấu thành giá cước vận tải. Thế nên, khi giá nhiên liệu giảm mạnh, nhưng các DN vận tải khách trên địa bàn tỉnh chậm điều chỉnh giá đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
 
Ông Nguyễn Đức Vinh, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, việc DN chậm kê khai lại giá cước theo giá nhiên liệu là điều bất hợp lý. Do đó, ngành GTVT cần chỉ đạo các DN sớm điều chỉnh lại giá cước cho  phù hợp.
 
Trong khi đó, các DN vận tải hành khách cho hay, thời điểm kê khai giá cước theo giá nhiên liệu, nhưng thực tế trong nhiều tháng liền do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động vận tải khách gần như ngừng hẳn. Hiện nay, các DN đang rất khó khăn, vì phải gồng mình trả lãi ngân hàng và tiền gốc vay, lương nhân viên. Từ khi hết dịch Covid-19 đến nay, lượng hành khách đi lại vẫn rất hạn chế, DN chủ yếu xoay xở bằng cách nhận chở thêm hàng hóa. “Chúng tôi biết giá cước hiện nay chưa phù hợp với giá nhiên liệu. Tuy vậy, nếu điều chỉnh thì cũng ở mức vừa phải, vì DN đang rất khó khăn. Do vậy, người dân cũng cần chia sẻ với DN về giá cước, bù lại sẽ được cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất”, lãnh đạo một hãng xe giãi bày.
 
Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Phiến cho biết: Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường thủy thực hiện đánh giá các khoản mục chi phí hình thành giá cước vận tải của lần liền kề so với thời điểm hiện nay, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu, để đảm bảo quyền lợi của hành khách, góp phần thực hiện bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.
 
“Chậm nhất đến 30.6, các DN vận tải tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn phải hoàn thành việc kê khai lại giá cước. Trường hợp các DN không thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định. Đối với hoạt động vận tải khách đường bộ, do nhu cầu đi lại hạn chế và DN còn gặp khó khăn, tuy nhiên đầu tháng 7.2020, Sở sẽ chỉ đạo kê khai lại giá cước theo giá nhiên liệu”, ông Phiến nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 

.