Cú huých cho tỏi Lý Sơn

09:07, 12/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là niềm vui rất lớn đối với chính quyền và những người trồng tỏi ở huyện đảo này.
Trao bảng chứng nhận chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn  
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN Đinh Hữu Phí (bên trái) trao bảng chứng nhận chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn cho chính quyền huyện Lý Sơn.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN Đinh Hữu Phí (bên trái) trao bảng chứng nhận chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn cho chính quyền huyện Lý Sơn.
Sáng 5.7, tại huyện Lý Sơn, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Đinh Hữu Phí đã trao bảng chứng nhận Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn cho UBND huyện Lý Sơn. Ông Đinh Hữu Phí cho biết: Khi tỏi Lý Sơn được trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thì uy tín, danh tiếng của tỏi Lý Sơn sẽ được nhiều người biết đến, góp phần giúp giá trị tỏi Lý Sơn được nâng lên, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân trồng tỏi trên đảo Lý Sơn.
 
Tin, ảnh: NGỌC VIÊN
Đầu năm 2019, huyện Lý Sơn triển khai Đề án Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Huyện đã phối hợp với Viện Môi trường và Công ty Sở hữu trí tuệ Quốc tế T&T Invenmark, các nhà khoa học về Lý Sơn để khảo sát, lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu thổ nhưỡng và mẫu tỏi trên toàn bộ huyện đảo.
 
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, đảo Lý Sơn nằm biệt lập giữa biển, nên tỏi được trồng trên đảo (với đất đỏ bazan và cát trắng của san hô từ dưới lòng biển-PV) có hình dạng, mùi vị đặc trưng riêng. Các vùng lân cận không sản xuất được loại tỏi giống như vậy.
 
Khác với tỏi trồng ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hải Dương, tỏi Lý Sơn khi Viện Môi trường gửi mẫu đi nước ngoài phân tích đã xác nhận có mùi vị thơm dịu đặc trương, không nồng hắc, ít cay, có vị ngọt đầu lưỡi. Theo chỉ dẫn, tỏi Lý Sơn có hình dạng bé với ba chỉ số đặc thù là: Củ nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng 7,87 (gram/củ); chiều cao trung bình khoảng 26,22 (mm); đường kính củ trung bình 24,95 (mm). Ngoài ra, vỏ củ và vỏ tép có màu trắng vôi đặc trưng. Thịt tỏi có màu trắng ngà và sắc xanh đặc trưng. Về hóa học, hai đặc điểm nổi bật của tỏi Lý Sơn là hàm lượng kali và hàm lượng các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ bay hơi. 
Nông dân Lý Sơn thu hoạch tỏi.
Nông dân Lý Sơn thu hoạch tỏi.
Trên cơ sở có chỉ dẫn địa lý, bước tiếp theo huyện Lý Sơn sẽ xây dựng truy xuất nguồn gốc, giúp tỏi Lý Sơn đảm bảo giá trị đích thực của nó. Khi được cấp chứng nhận và truy xuất được nguồn gốc, thì việc phân biệt tỏi nơi khác mạo danh tỏi Lý Sơn rất dễ dàng. 
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ hành, tỏi Lý Sơn Nguyễn Văn Định cho hay: Lâu nay, nhiều người tiêu dùng không phân biệt được đâu là tỏi Lý Sơn, đâu là tỏi mạo danh, dẫn đến giá trị thực của tỏi Lý Sơn không được đảm bảo. Khi có chỉ dẫn địa lý và xây dựng được truy xuất nguồn gốc giúp cá nhân, doanh nghiệp khi sử dụng tỏi Lý Sơn thì quyền lợi sẽ được đảm bảo. Việc chế biến tỏi ra các thực phẩm như tỏi đen, rượu tỏi, tỏi bột... góp phần làm tăng giá trị của tỏi Lý Sơn.
 
Ngoài ra, nguồn gốc rõ ràng cũng góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh tỏi, cũng như người trồng tỏi Lý Sơn.
 
"Năng suất tỏi Lý Sơn hằng năm khoảng 1.800 tấn. Sau khi có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để người tiêu dùng biết và lựa chọn sử dụng tỏi Lý Sơn. Với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cũng sẽ rộng cửa để sản phẩm đặc trưng này tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài", Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương kỳ vọng.
 
Bài, ảnh: N.V
 

.